'Bà tiên' sống giữa lòng Hà Nội

Ngôi nhà cho thí sinh ở miễn phí - Chị Bích chia sẻ với pv.
Ngôi nhà cho thí sinh ở miễn phí - Chị Bích chia sẻ với pv.
Nhiều năm qua, bà Trần Thị Bích (54 tuổi, phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã thực hiện một công việc thiện nguyện mà không phải ai cũng làm được. Đó là việc bà đã dành ngôi nhà ở 4 tầng của mình cho những thí sinh từ khắp mọi miền đất nước đến ở trọ miễn phí. Không những thế, bà Bích còn ân cần dạy bảo để các em có ý chí hơn trong việc thi cử để sau này trở thành người có ích cho xã hội.

Yêu người như yêu mình

Bà Bích sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng đâu đó vẫn thấy ở bà chút thôn quê xưa cũ. Đó là cách nói chuyện ân cần, thủ thỉ, chứ không vội vàng, gấp gáp như đa số người dân thành thị hiện nay. 

Bà Bích cho biết, mặc dù là một cư dân Thủ đô chính hiệu nhưng gia cảnh nhà bà không thuộc diện giàu có, nên từ nhỏ bà cũng lam lũ vất vả không khác gì người ở quê. Khi lớn lên, để thay đổi cuộc đời, bà đã từng bôn ba sang tận xứ Nga lạnh lẽo để làm công nhân. 

Những ngày làm thuê ở xứ người khiến cho người đàn bà Thủ đô thêm hiểu hơn về nỗi nhớ xa quê cũng như những chi phí đắt đỏ như thế nào nếu muốn thuê một căn phòng để ở. Rồi không biết từ lúc nào, trái tim người đàn bà bỗng nhiên đập rộn ràng, mong sao có một ngày mình sẽ làm được điều gì đó có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, bà Bích còn trẻ, kinh tế không vững nên thật khó để thực hiện công việc thiện nguyện. Cũng từ đây, bà Bích đã ngộ ra chân lý rằng, nếu muốn giúp được ai đó thì trước tiên phải giúp mình. 

Dịp hè năm 2009, con gái bà Bích khi đó đang là sinh viên năm nhất, đồng thời tham gia vào thành đoàn Hà Nội. Đúng lúc này, Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào hỗ trợ nơi ở cho thí sinh nghèo đi thi. Không giấu nổi vẻ sung sướng, ngay sau khi nghe những phát động từ Thành đoàn, cô sinh viên năm nhất nghĩ ngay đến ngôi nhà của mình. Một ngôi nhà rộng rãi bốn tầng mà chỉ có mấy thành viên ở. 

Đem ý nguyện của mình bàn với bố mẹ, cô gái tưởng chừng như sẽ không đạt được nguyện vọng nhưng không ngờ, họ đã vui vẻ chấp nhận. Thấy con gái như thể không tin nổi vào mắt mình, bà Bích xúc động nói: "Con à, việc làm của con là có ích cho xã hội, vậy thì tại sao bố mẹ lại không sẵn sàng giúp sức. Con hãy đăng ký với Thành đoàn Hà Nội là ngôi nhà ở của mình trong những ngày thi sắp tới sẽ thành ngôi nhà trọ miễn phí cho các thí sinh nghèo đi thi".

Ngay sau đó, số nhà cũng như số điện thoại được cô con gái đăng ký lên Thành đoàn Hà Nội. Ngay lập tức, có rất nhiều cuộc điện thoại đến nhà bà Bích. Do chỉ ở nhà làm công việc bán nước giải khát nên tất cả các cuộc gọi đến, bà Bích đều nghe máy. Qua những cuộc điện thoại, bà Bích càng cảm thấy mình cần phải biết yêu thương nhiều hơn, càng phải yêu người như yêu mình. Để rồi sau đó, ngôi nhà bốn tầng trước đây vốn yên tĩnh thì nay đã thay vào đó là sự đông vui và ấm áp tình người.

"Bà tiên" sống giữa lòng Hà Nội

Ngôi nhà bốn tầng của bà Bích có chiều rộng mỗi tầng 40m2. Đây được coi là một không gian rộng rãi cho bất kỳ ai sống giữa lòng phố cổ Hà Nội. Do đăng ký vào những ngày cận thi, nên ngay sau đó, ngôi nhà này đã có rất đông các thí sinh nghèo từ các tỉnh lẻ đến ở trọ. Bà Bích cho biết, có những năm, nếu tính cả phụ huynh phải có trên dưới 60 người đến ở trọ. Người ngoài nhìn vào ngôi nhà cứ ngỡ như đang tổ chức tiệc tùng gì đó.

Bà Bích tâm sự: "Mặc dù bỗng nhiên trong gia đình có nhiều người lạ, nhưng tôi không cảm thấy buồn lòng chút nào, mà ngược lại tôi thấy rất vui và muốn giúp gì đó cho các em học sinh. Các em đến nhà tôi ở đều là người tỉnh lẻ, đa số làm nông, nhà nghèo nên họ mới cần đến một nơi ở miễn phí để giảm bớt đi phần nào đó gánh nặng cho thi cử. Các em sống cũng rất tình cảm và lễ phép. Qua đó, tôi cũng thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa hơn rất nhiều. Con người ta hơn nhau về mặt tình cảm, chứ nếu nghĩ hơn nhau về tiền bạc để phấn đấu tranh giành lẫn nhau thì còn ý nghĩa gì nữa". 

Trong khoảng 6 năm làm việc thiện nguyện, bà Bích đã có riêng cho mình rất nhiều kỷ niệm khó phai. Kể về những điều này, bà Bích không khỏi xúc động. Bà Bích cho biết, cách đây hơn 4 năm, lúc này trời còn tờ mờ sáng. Do thói quen dậy sớm dọn dẹp nhà cửa và sắp xếp đồ bán hàng, nên hơn 4 giờ sáng, bà Bích đã dậy mở cửa. Vừa nhìn ra ngoài, bà Bích phát hiện một phụ nữ gầy còm, nước da đen sạm, cũng như mái tóc đã bạc gần hết. Nằm ngủ tựa vào vai người mẹ nghèo khổ là một cô gái đen nhẻm, có vẻ gầy yếu. Trong khi đó, những túi đồ lỉnh kỉnh thì nằm lộn xộn xung quanh. Bà Bích không để cho người phụ nữ lên tiếng mà đã cất tiếng hỏi trước là quê ở đâu, có việc gì mà lại đến đây sớm như vậy. 

Không giấu giiếm điều gì, người mẹ nói nhỏ nhẹ: "Thưa cô, mẹ con tôi từ Thái Bình lên đây. Chồng tôi mất sớm, tôi không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con khôn lớn nên người. Công việc chính của tôi là làm nông nghiệp. Nay con tôi đến kỳ thi đại học nên tôi bỏ công bỏ việc đưa cháu đi thi. Trước khi đi, tôi được mọi người nói ở phố cổ Hà Nội có cô tên Bích rất tốt bụng cho thí sinh nghèo ở miễn phí, nên tôi đã cùng con gái đi chuyến xe sớm lên đây, không biết cô có phải là cô Bích không". Nghe lời tâm sự chân thật của người phụ nữ, bà Bích đã ướt nhòe khóe mắt. Sau đó bà đã bảo hai mẹ con vào nhà thay đồ tắm giặt rồi đi nhận phòng ở. 

Bà Bích cũng không thể quên được cách đây hơn 2 năm, vào một buổi tối oi bức, bà nhận được một cuộc điện thoại, bên kia đầu dây, một cô gái vừa nói vừa khóc: "Cô Bích ơi, cô giúp cháu với. Cháu chuẩn bị được bố đưa đi thi thì không may gặp tai nạn. Giờ bố cháu đang nằm viện điều trị. Nhà cháu neo người, anh em cũng ít nên mẹ ở nhà chăm sóc bố. Cô cho cháu được ở nhà cô để yên tâm thi cử cô nhé". 

Bà Bích đã không cầm lòng được, nghẹn ngào một lúc lâu mới nói nên lời. Bà Bích cho cô gái biết là do đăng ký muộn nên không còn phòng nào trống nữa. Cô gái này đã khóc và nằng nặc đòi bằng được để ở trong nhà bà Bích. Không thể khước từ, bà Bích đã gật đầu ưng thuận. 

Sáng hôm sau, một cô gái người Phú Thọ ăn mặc giản dị xách va li đến nhà bà Bích. Cô gái này cho biết mình là người đã gọi điện lúc tối qua để xin được ở trọ. Không những chỉ cho các thí sinh ở trọ miễn phí, bà Bích còn rất ân cần căn dặn từng ly từng tý các thí sinh phải ôn thi hết mình, không vì bản thân cũng vì gia đình.

Bà Bích cho biết, nếu thí sinh nào ôn thi đêm muộn có thể tự động xuống bếp pha mì ăn, bà đã mua sẵn để đó rồi. Bà Bích cũng căn dặn phụ huynh cũng như thí sinh không nên đi ăn ở ngoài và đã động viên họ góp gạo thổi cơm chung, bởi nhà bà có bếp và nồi niêu đầy đủ cả. Như vậy sẽ đảm bảo sức khỏe. Ban đầu không ai chịu, nhưng sau vài bữa ăn đầu, nhiều thí sinh không quen cơm hàng cháo chợ nên đau bụng, sau đó đã nghe lời bà Bích tự nấu cơm ăn. Sau những ngày thi, rất nhiều phụ huynh đem quà, trong đó có tiền đến cảm ơn nhưng bà Bích không nhận. 

Bà Bích tâm sự: "Gia cảnh các thí sinh đều nghèo khó cả, tôi không nỡ lòng mà nhận lời cảm ơn bằng quà của họ. Tôi nói với họ là hãy để những món quà tặng lại các cháu để sau này còn trang trải trong việc học hành. Cũng như mong sao các cháu sớm thành tài, đó là món quà lớn nhất mà tôi muốn có". Với việc làm ý nghĩa của mình, năm 2013, bà Bích đã được Hội Liên hiệp Thanh niên Hà Nội trao giải thưởng Cống hiến.

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.