Bà Pelosi rời đi, Trung Quốc tập trận quanh đảo Đài Loan của nước này

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trung Quốc vừa triển khai một đợt tập trận chưa từng có nhằm phong toả hoàn toàn đảo Đài Loan của nước này cho đến ngày 7/8, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kết thúc chuyến thăm.
Bà Pelosi rời đi, Trung Quốc tập trận quanh đảo Đài Loan của nước này ảnh 1

Trung Quốc tập trận quanh đảo Đài Loan của nước này trong 4 ngày

Trong chặng dừng chân ngắn đến Đài Bắc, bà Pelosi gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, các chính trị gia cấp cao của Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều nhà hoạt động nhân quyền trước khi bay sang Hàn Quốc vào chiều 3/8.

Chuyến thăm đang đẩy quan hệ Trung – Mỹ xuống vực sâu mới và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở eo biển Đài Loan trong mấy thập kỷ.

Bắc Kinh tuyên bố chuyến thăm là sự khiêu khích rõ ràng là khuyến khích chính quyền ngả theo xu hướng đòi độc lập cho hòn đảo.

Sau hàng loạt chỉ trích và áp các biện pháp trừng phạt thương mại với đảo Đài Loan, Trung Quốc triển khai đợt tập trận bắn đạn thật ở 6 khu vực xung quanh đường bờ biển của hòn đảo này từ ngày 4-7/8.

Các hãng hàng không hoạt động ở châu Á được khuyến cáo tránh bay gần Đài Loan (Trung Quốc), các tàu được thông báo tránh xa “những vùng nguy hiểm” trong thời gian Trung Quốc tập trận.

Tiếp đón bà Pelosi, nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) trao cho nhân vật quyền lực chính trị số 3 của Mỹ Huân chương Khanh vân đặc biệt.

“Các cuộc tập trận là phản ứng không cần thiết. Đài Loan (Trung Quốc) luôn cởi mở với đối thoại mang tính xây dựng, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để mang lại ổn định và hoà bình ở khu vực”, bà Thái nói.

Phát biểu với báo chí, bà Pelosi nói rằng Bắc Kinh không thể chặn các nghị sĩ khác của Mỹ thăm Đài Loan (Trung Quốc). Bà Pelosi không cam kết việc mời bà Thái đến Đồi Capitol, nhưng cho biết bà “hy vọng cơ hội đó sẽ đến”.

Trung Quốc dự kiến sẽ tung thêm nhiều biện pháp trừng phạt nữa trong những ngày tới. Giới phân tích quân sự cho rằng quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động thường xuyên hơn trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ biển Đài Loan (Trung Quốc).

Dù Trung Quốc trước đây định kỳ tổ chức tập trận gần Đài Loan của nước này nhưng chưa bao giờ bao vây và phong toả hòn đảo.

Giới quan sát cho rằng cả Bắc Kinh và Washington đều không phải bên chiến thắng sau chuyến thăm của bà Pelosi, vì chuyến thăm không làm thay đổi cân bằng quyền lực giữa hai bờ eo biển, nhưng sẽ làm giảm đáng kể lòng tin giữa hai siêu cường.

“Bà Pelosi muốn để lại di sản chỉ trích Trung Quốc và chiến đấu vì dân chủ. Với việc bỏ qua ý kiến của chính quyền Biden, bà ấy đang cố biến Đài Loan (Trung Quốc) thành Ukraine thứ hai”, Zhu Feng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Nam Kinh, đánh giá.

Paul van der Putten, một nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Viện Clingendael Institute (Hà Lan), cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi có lợi cho Trung Quốc ở chừng mực nào đó, vì nó gửi tín hiệu đến các đồng minh của Mỹ rằng Washington hành động rất khó đoán.

“Chuyến thăm cho thấy Mỹ không hỏi ý kiến đồng minh trong việc ra quyết định liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc), dù Mỹ cần sự ủng hộ của họ nếu xung đột Mỹ - Trung nổ ra vì Đài Loan. Điều này làm suy yếu nỗ lực của chính quyền Biden nhằm xây dựng một liên minh quốc tế rộng lớn nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”, ông Putten nhận định.

Li Da-jung, giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại ĐH Tamkang ở Đài Bắc, cho rằng chuyến thăm của một nhân vật cấp cao như bà Pelosi sẽ làm tăng vị thế quốc tế của Đài Loan (Trung Quốc) và củng cố quan hệ với Mỹ, nhưng cũng làm gia tăng rủi ro an ninh. “Đài Loan (Trung Quốc) là bên hứng chịu hậu quả của chuyến thăm”, ông Li nói.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG