Bá Nha: Kéo nhị, hát, chơi Jazz

Bá Nha: Kéo nhị, hát, chơi Jazz
TP - May mắn, khi anh được sinh ra trong một gia đình nổi danh về âm nhạc dân tộc. Áp lực, khi anh mang cái tên gợi nhớ tay đàn bậc thầy của nước Trung Hoa, thời Chiến Quốc.

> Bên trong vỏ bọc “ngây ngô”

Đã thế, lại chịu “cái bóng” quá lớn của cha, vốn được xem là “vua đàn nguyệt”. Nhưng anh đã vượt qua và chứng tỏ mình bằng “thương hiệu” Bá Nha đất Việt.

Bảng thành tích của Bá Nha thật đáng ngưỡng mộ: 3 tuổi biết chơi đàn. 4 tuổi tham gia biểu diễn xuyên Việt. 7 tuổi, trở thành thành viên chính thức của Hội thi âm nhạc dân tộc toàn quốc.

8 tuổi, “ẵm” hai giải nhất của Liên hoan âm nhạc thiếu nhi quốc tế. 15 tuổi, được đặc cách vào Nhạc viện Hà Nội, cho đến nay anh vẫn là một trong số những nghệ sỹ trẻ tuổi nhất tốt nghiệp hệ đại học về âm nhạc ở Việt Nam.

Bá Nha cũng là người đầu tiên ra đĩa nhạc không lời trên cây đàn nhị, xôn xao dư luận một thời… Một thông tin tốt lành, Bá Nha vừa tốt nghiệp khóa thạc sỹ về nghiên cứu và sáng tác tại Trung Quốc. Không như nhiều nhân tài tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, Bá Nha sẽ trở về Việt Nam sống và làm việc.

Chơi bi vẫn kéo đàn

Khán giả chỉ nhìn thấy vầng hào quang khi người nghệ sỹ bước ra sân khấu. Họ khó hình dung những nhọc nhằn phía sau. Sẽ hơi quá nếu nói Bá Nha có một tuổi thơ bị đánh cắp nhưng sự thật, anh không được hưởng thời thơ bé giản dị và vô tư như bạn bè đồng trang lứa.

Là người con duy nhất của cặp nghệ sỹ nổi tiếng: Bá Phổ - Mai Liên, ngay từ khi chưa chào đời, anh đã được bố mẹ nghĩ sẵn tên, với khát vọng tác phẩm của cuộc đời họ sẽ trở thành một Bá Nha thời hiện đại với tài đàn mê hoặc.

Sinh ra trong cái nôi âm nhạc nên khi biết nói sõi cũng là khi anh biết đàn. Loại nhạc cụ đầu tiên Bá Nha chơi chính là đàn T’rưng. Đến nay, anh có thể chơi trên 10 nhạc cụ dân tộc khác nhau.

Riêng đàn nhị (đàn cò), Bá Nha gần như không có đối thủ. Chẳng thế mà ở Trung Quốc vốn nổi tiếng với đàn nhị, vẫn phải vời anh sang biểu diễn vào dịp đài phát thanh T.Ư Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập.

Mức cát- xê anh nhận được ở nước bạn khá cao. Theo tiết lộ của cha anh, nghệ sỹ ưu tú Bá Phổ, nếu biểu diễn tại Bắc Kinh, anh nhận được khoản tiền tương đương một trăm triệu đồng cho mỗi buổi biểu diễn, con số đáng ghen tỵ trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng hiện nay.

Nhưng nếu biết những gì Bá Nha đã phải “trả giá” cho mùa trái ngọt hẳn người ta sẽ thấy xứng đáng. Mẹ anh, nghệ sỹ ưu tú Mai Liên kể rằng: “Tuổi thơ của Bá Nha là âm nhạc. Ngay cả khi chơi bi, nó vẫn kéo đàn. Lúc nào đến lượt mình thì búng, đến lượt bạn lại kéo đàn. Ngoài thời gian luyện tập ở nhà, Bá Nha còn sinh hoạt ở Câu lạc bộ thiếu nhi quốc tế.

Nói chung nó được đào tạo kỹ lắm”. “Vua đàn nguyệt” Bá Phổ khá nghiêm khắc với con trai. Bà Mai Liên nhớ lại: “Không học đàn không được với bố nó. Ông ấy bảo: Nếu con không chăm chỉ học đàn thì từ giờ trở đi bố không cho con đụng đến đàn nữa, bố sẽ giấu đàn đi. Con sờ vào đàn bố đánh. Nó sợ quá, toàn tập đàn trộm. Cứ khi bố đi vắng Bá Nha mới dám mang đàn ra chơi, nghe tiếng dép bố về, nó vội vã treo đàn lên”.

Chính “chiêu” dạy con của nghệ sỹ Bá Phổ, đã khiến cậu con trai đang tuổi ham chơi thèm tập đàn. Dần dần, việc tập đàn đã trở thành nhu cầu như “cơm ăn nước uống” với Bá Nha.

Màn độc tấu không chê được khi mới 7 tuổi của anh tại Hội thi âm nhạc dân tộc toàn quốc lúc đó đã làm một vị lãnh đạo cao cấp hào hứng thốt lên: “Đầu này chúng ta có nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát 70 tuổi, đầu kia chúng ta có Bá Nha 7 tuổi, lo gì cơ đồ âm nhạc Việt Nam không thịnh vượng”.

Bốn trong một

 Âm nhạc dân tộc sẽ mãi tồn tại, nếu như chúng ta biết giữ gìn truyền thống, thổi âm hưởng thời đại vào đó. Tôi muốn mọi người đều lắng nghe nhạc dân tộc 

Một nghệ sỹ Bá Nha chơi đàn dân tộc điêu luyện, ai cũng biết. Nhưng anh còn có khả năng ca hát (chứng tỏ bằng giải nhất Tiếng hát Việt- Trung). Và những sáng tác của Bá Nha cũng không thua kém. Anh còn là một nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc.

Đề tài bảo vệ luận án thạc sỹ của anh tại Trung Quốc liên quan đến loại nhạc cụ đầu tiên anh biết chơi: Đàn T’rưng. Chính cha anh đã ghi công ở loại nhạc cụ này, ông là người làm nên phiên bản “T’rưng Bá Phổ” như khán giả vẫn được thưởng thức hiện nay.

Nhận thấy đàn T’rưng gốc đơn sơ, khó vươn xa, khó độc tấu, “ông vua của các loại nhạc cụ” đã nghiên cứu và nâng cấp T’rưng. Và nghệ sỹ Mai Liên, vợ ông, chính là người đầu tiên chơi trên đàn T’rưng Bá Phổ.

Cũng một điều ít người biết, cha mẹ của Bá Nha đã được Học viện nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc phong giáo sư, từ năm 2009. Không chỉ đi theo con, uốn nắn con ngay từ tấm bé, bố mẹ Bá Nha đã theo anh tới bậc cao học. Công trình tốt nghiệp của anh có sự giúp sức không nhỏ của cha mẹ.

Nhắc đến Bá Nha, không thể không nhắc tới “Nhạc đường Bá Phổ”, nhạc đường tư nhân duy nhất ở Việt Nam, cho tới thời điểm hiện tại. Tại đây cất giữ khoảng trên 200 loại nhạc cụ dân tộc. Để có công trình này, cả gia đình nghệ sỹ Bá Phổ đã phải nhắm mắt quên đi lợi nhuận.

Mất 5 năm xây dựng nhạc đường, đầu tư không ít tiền của nhưng họ sẵn sàng mở cửa miễn phí cho khách đến tham quan. Nhân nói đến vấn đề thu nhập, hỏi nghệ sỹ Bá Phổ, vì sao không cho Bá Nha theo con đường ca hát, bởi rõ ràng, con đường đó lắm hoa trái hơn.

Ông cười, mà rằng: “Đã nhiều nơi muốn nhận Bá Nha với tư cách ca sỹ nhưng tôi không muốn cho đi hát, vì đi hát say quá quên nhạc dân tộc, bởi món đó dễ ăn hơn”. Mẹ anh, nghệ sỹ Mai Liên tiếp lời: “Muốn có sự nghiệp không thể nghĩ nhiều đến tiền được”.

Bá Nha
Bá Nha.

Bộ ba “Răng - Hàm- Lợi”

Chuyện hôn nhân của cặp vợ chồng Bá Phổ- Mai Liên cũng bắt nguồn từ âm nhạc. “Đến giờ này, tôi vẫn thấy lựa chọn của mình là sáng suốt”, Bá Phổ nói. Ông rất hài lòng ở vợ mình: “Người đáng ca ngợi nhất trong gia đình tôi, chính là bà ấy”.

Giống như cha mẹ, Bá Nha cũng lấy một người vợ làm nghệ thuật, chị từng đoạt giải nhì cuộc thi tiếng hát truyền hình toàn quốc. Nhưng hiện nay “một nửa” của anh đã lui về “hậu phương”, làm công việc bình dị, nhân viên bán hàng của một công ty thực phẩm, để có thời gian chăm chút hai cô con gái nhỏ. Hai “công chúa” của vợ chồng Bá Nha, cũng yêu nghệ thuật.

Bé lớn 5 tuổi đã chơi nhạc cụ giỏi. Song theo bà nội của các bé: “Chúng có năng khiếu đấy nhưng không ham như cha nó ngày xưa”. Các con của Bá Nha mang những cái tên đầy hàm ý: Vũ Song Lợi, Vũ Song Hàm. Cùng với Vũ Bá Nha, ba bố con trở thành bộ tam không thể tách rời: “Răng- Hàm- Lợi”.

Những ngày này, nghệ sỹ Bá Nha đang biểu diễn ở Trung Quốc. Anh nhận được nhiều lời mời độc tấu nhạc cụ dân tộc cho trẻ em Trung Quốc nhân dịp trung thu.

“Thế mà lạ, ở Việt Nam Bá Nha không nhận được lời mời nào vào ngày hội của trẻ thơ cả”, cha anh, nghệ sỹ Bá Phổ tiết lộ. Dù âm nhạc dân tộc đang bị lạnh nhạt nhưng Bá Nha sẽ quay về Việt Nam làm việc trong thời gian tới đây. Nếu đầu quân cho một đoàn nghệ thuật nào đó, anh sẽ nhận mức lương vài triệu đồng một tháng như công chức bình thường. Nhưng chưa tính đến thu nhập, thì điều mà cha anh băn khoăn cho con trai lại là: “Rồi chắc lại ngồi chơi xơi nước thôi. Có việc gì mà làm?”

Làm mẹ nhân tài, không sướng

Bá Nha từng theo một khóa học đặc biệt ở Ý về nhạc Jazz và anh được đặc quyền chơi nhạc Jazz bằng nhạc cụ dân tộc. Ai bảo tiếng đàn dân tộc không có màu hiện đại?

Sau buổi học, tối đến, Bá Nha thường cùng đồng nghiệp biểu diễn ở đường phố, khán giả nước ngoài thích thú, nên suốt thời gian ở Ý, Bá Nha nhận được ưu đãi: Uống bia không mất tiền.

Từng đoạt giải Trí tuệ toàn cầu ở Trung Quốc, tại nước bạn, có những nhà báo đã tôn vinh anh là “thiên tài âm nhạc”. Nhưng mẹ anh bật mí, “thiên tài âm nhạc học văn hóa cũng… thường”, bởi thời gian tập trung quá nhiều cho nghệ thuật. Bá Nha đi học sớm, 5 tuổi đã đến trường.

Hỏi nghệ sỹ ưu tú Mai Liên: “Bà có mãn nguyện không khi có trong tay “kho báu”?” Người mẹ yêu con cười: “Vất vả lắm. Nó yêu âm nhạc nên phải đầu tư nhiều, từ cơm áo gạo tiền và bao nhiêu thứ khác”.

Nghệ sỹ chia sẻ, bà vẫn chưa hết lo cho con trai: “Càng yêu thương con càng kỳ vọng nhiều. Có độc nhất đứa con, dại miệng, sự cố xảy ra là mất hết. Mỗi lần nó đi đâu chưa về, tôi lại lo lắng”.

Trong mắt mẹ, “Bá Nha Việt Nam” không có gì đặc biệt ngoài âm nhạc: “Nó hiền, không lươn lẹo, sống trong môi trường nghệ thuật từ bé, không va chạm, nên nó không biết đến thủ đoạn đâu”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.