Ba người đàn bà của "Sống trong sợ hãi"

Ba người đàn bà của "Sống trong sợ hãi"
NĐVN - Trước khi bộ phim "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Thạc Chuyên khởi chiếu, nhiều người dự đoán "chắc sẽ là bộ phim đường được, vì Chuyên là một đạo diễn có chất".
Ba người đàn bà của "Sống trong sợ hãi" ảnh 1

Vai xã đội trưởng của Mỹ Uyên

Sau khi xem phim, kể cả những người đã từng biết Thạc Chuyên qua phim ngắn "Cuốc xe đêm" hay người chưa từng biết, đều thấy khá bất ngờ vì phim của anh đã ở trên tầm cái mức "đường được" ấy.

Kịch bản phim  phát triển từ bộ phim tài liệu "Tay đào đất " do chính Thạc Chuyên làm trước đó 4 năm. Anh có trong tay thông tin thật về một người đàn ông sống ở Quảng Trị, suốt hàng chục năm nay dân quanh vùng coi ông như người khùng vì ông chỉ cặm cụi một mình làm công việc duy nhất : gỡ bom mìn trên mảnh đất trận địa cũ.

Ông đã từng là lính nguỵ cải tạo, lưu lạc, cực khổ, có nhiều vợ, nhiều đàn bà-  có những bà vợ đối với  ông và giữa họ đối với nhau rất tốt. Câu chuyện "Sống trong sợ hãi" phải hấp dẫn từ một vài chi tiết sơ sài, với một nhân vật lập dị, trên mảnh đất khô cằn , như  đạo diễn đã từng đùa " một mảnh đất như thế nếu không lãng mạn thì sống làm sao ?".

Tải là tên nhân vật gỡ mìn điên khùng của " Sống trong sợ hãi". Anh có hai người đàn bà- vợ cả và vợ hai. Anh thương và cần họ, họ cũng như vậy với anh. Người đàn bà thứ ba trong phim là người của "tuyến bên kia"- cô xã đội trưởng, quản lý Tải trong thời kỳ cải tạo, chứng kiến " cuộc sống gỡ mìn" và "cuộc sống hai vợ" của Tải.

Tải, 2 người vợ và cô xã đội trưởng là 4 nhân vật quan trọng như nhau đối với Thạc Chuyên .Trong kịch bản phân vai, anh đã miêu tả chi tiết từ hình thức đến tính cách của 4 nhân vật chính này, chỉ còn một việc là tìm cho ra họ.

Vào TP HCM, đạo diễn Mỹ Hà giới thiệu cho Chuyên đạo diễn trẻ Hữu Phúc để vừa làm trợ lý, vừa giúp anh hoàn thành khâu casting. Sau một hồi thử một loạt diễn viên để tìm vai Tải, Chuyên bỗng phát hiện ra Tải chính là người trợ lý của mình.

Hữu Phúc trước đó từng học diễn viên và mới có một lần lên phim vai  y tá nam trong phim truyền hình nhiều tập "Blouse trắng" (đạo diễn Mỹ Hà). Lần này Thạc Chuyên giao cho anh một nhân vật "đồ sộ": Một người đàn ông tay trắng, mặc cảm tội lỗi với chế độ, len lén đi lại giữa hai bà vợ, làm tình nhiều lần trong phim (vì anh ta thấy muốn làm việc đó mỗi khi vừa thoát khỏi cơn sợ hãi), ban đầu  mê mải gỡ mìn bán sắt vụn để kiếm cơm, rồi hoá thành say "nghề"  như  "mộng du".

Ở giai đoạn sau, Tải coi việc gỡ mìn mạo hiểm như một trò chơi ngoạn mục. Khán giả vã mồ hôi vì  lo bom mìn nổ bất ngờ, trong khi đó " gã điên khùng "tung tăng" trong khoái cảm"- đạo diễn muốn Hữu Phúc làm được như thế.

Ba Thuận - người vợ cả (diễn viên Hạnh Thúy)

Hạnh Thúy trước đó khá nổi trong các tiết mục hài của các Gala cười. Trong vai Ba Thuận, Thúy phải thành người phụ nữ chín chắn, đằm thắm, độ lượng, rất hiểu và yêu chồng.

Ba Thuận biết Tải không còn gì để mất cho nên chị tìm mọi cách bù đắp, che giấu , bảo vệ Tải. Chị biết Tải có vợ bé nhưng ảnh vẫn thương chị và con.

Tải sống cùng với người vợ trẻ ở vùng đất khai hoang, thỉnh thoảng mới lén chính quyền về thăm Ba Thuận và lần nào chị cũng đón chồng với thái độ rất yêu thương khao khát. Tại nhà hộ sinh, Ba Thuận gặp gỡ cô Út vợ hai trong một tình huống rất trớ trêu.

Cả hai người cùng một ngày trở dạ sinh đứa con thứ hai của Tải. Người vợ cả với bụng bầu to, ngồi bên giường đối diện im lặng quan sát cô vợ hai đau đẻ, trong khi đó cô vợ hai non nớt thiếu bình tĩnh, muốn lôi Tải về thật nhanh để xả cơn giận.

Ba người đàn bà của "Sống trong sợ hãi" ảnh 2
Hai bà vợ của Tải cùng sinh con một ngày trong cùng một nhà hộ sinh. Ngọc Phượng (vợ hai, phía trước) và Hạnh Thuý (vợ cả, phía sau)

Ở tình huống này trong tiểu phẩm hài có lẽ Hạnh Thúy phải làm khán giả bung lên những tràng cười.

Trong phim cô đã làm tốt vai của mình như mong muốn của đạo diễn- một người phụ nữ từng trải, có năng lực cảm thông, không bao giờ làm tổn thương ai.

Ba Thuận của Hạnh Thúy có vẻ mặt chấp nhận cuộc sống như nó có , người xem không có cảm giác rằng nhân vật đang phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" hay phải cắn răng chịu đựng trước hoàn cảnh.

Cô Út - người vợ hai (diễn viên Ngọc Phượng)

Đạo diễn Thạc Chuyên tìm "một người phụ nữ trẻ, thân hình hấp dẫn, tính tình như một "bà mẹ trẻ con" . Ngọc Phượng được tìm thấy đầu tiên trong 4 nhân vật chính và cô đúng duýt như anh tưởng tượng. Hôm thử vai, Phượng diễn một đoạn thoại có chỗ phải khóc, vì quá căng thẳng nên cô không khóc được.

Phượng nghĩ "mình thể hiện không đạt, chắc trượt rồi", thực ra phần diễn thử của cô không cần thiết lắm, đạo diễn đã thấy ưng ngay từ lần đầu gặp cô. Ngọc Phượng có sẵn vẻ con nít đáng yêu, ngồ ngộ, kiểu người phụ nữ khiến đàn ông muốn yêu chiều và nhân vật người vợ hai của Phượng làm cuộc sống trong phim mềm mại, sinh động, bớt đi những nỗi sợ hãi.

Phượng cũng như  Hữu Phúc, Hạnh Thúy và các diễn viên khác đều thấy thoải mái trước các cảnh quay ân ái. Họ chấp nhận cách lý giải về sự cân bằng tâm lý nhân vật của đạo diễn- cứ qua mỗi cơn sợ hãi tột độ, con người ta có cảm giác nhẹ nhõm, thoát nạn, dẫn đến lâng lâng thăng hoa.

Những cảnh ân ái chỉ hơi cực ở chỗ " quay ban đêm, có một người phải dỗ cho thằng bé ngủ say thật rồi mới quay. Trời thì mưa, khi diễn vội vội vàng vàng, lại phải khẽ vì sợ thằng bé thức dậy".

Xem phim, khá nhiều ngôi sao nữ  mơ có một "đất diễn" như vai  cô vợ hai. Ngọc Phượng - trước đó chỉ lặng lẽ với công việc lồng tiếng và những vai "nhỏ xíu" của sân khấu kịch- đã không giấu được hạnh phúc khi có không ít diễn viên từng sở hữu nhiều vai khó ngỏ lời khen và chúc mừng cô.

Uyên - xã đội trưởng (diễn viên Mỹ Uyên)

Mỹ Uyên xin phép Nhà hát 5B Võ Văn Tần cho mình được nghỉ 2 tuần để đi đóng phim của đạo diễn Thạc Chuyên trong khi cô "chưa hề đọc kịch bản, chưa biết vai của mình thế nào, cũng chưa từng xem một bộ phim nào của anh ấy".

Chỉ biết Thạc Chuyên qua báo chí, mới gặp một lần nhưng Mỹ Uyên linh cảm "đây là một người được, kịch bản chắc cũng nên tham gia, vai của mình có lẽ hay ".

Khi bắt đầu quay, Uyên chưa rõ về công việc của mình lắm thì nghe xì xào trong ê kíp  làm phim rằng, vai xã đội trưởng không có đất diễn và không hay bằng hai vai nữ kia.

Uyên thắc mắc điều này với đạo diễn thì bị anh cáu "ai bảo với em thế. Vai này cá tính rất mạnh, rất phức tạp". Cô đã từng thành công với những vai hay trong phim truyền hình nhiều tập như vai Ba Có trong "Nợ đời", Thể Loan trong "Sương gió biên thuỳ"...

Lần này Uyên bị hấp dẫn bởi chính tuýp phụ nữ mà mình thể hiện "Khó tính, mạnh mẽ, lạnh lùng, kìm nén, giấu nữ tính, giấu cảm xúc".

Là vợ liệt sĩ, sống độc thân, khắt khe trong công việc và với bản thân, cô Uyên từ chối những cơ hội đến với đời sống tình cảm của mình. Cô tỏ ra lạnh lùng nhưng không giấu nổi băn khoăn trước số phận long đong của "gã gỡ mìn điên khùng" với 2 người vợ.

Mỹ Uyên rất "tiết kiệm" khi diễn những khoảnh khắc mềm yếu. Năm Được yêu cô nhưng không dám bày tỏ vì nhát, đến lúc sắp có thể thì Năm lại chết trong khi gỡ bom. Ngọc Phượng đã rất phục khi xem Uyên diễn cảnh "cô vào căn lều lặng ngắt của Năm khi anh đã chết, đau đớn nhưng không một giọt nước mắt".

Khi hỏi Hữu Phúc (vai Tải) : Thích nhân vật nữ nào nhất? Anh trả lời: Thích hết trơn. Tôi thích họ như nhau nếu họ có thật trên đời.

Khi hỏi Thạc Chuyên câu hỏi tương tự. "Tôi có tình cảm bằng nhau với cả 3 nhân vật vì trong mỗi người phụ nữ Việt Nam đều có thể tìm thấy cùng một lúc 3 phẩm chất này”.

Khi hỏi 3 diễn viên nữ: Có muốn đổi vai với người khác trong phim? Họ đều trả lời: Không.

MỚI - NÓNG