Ba năm nữa, Khăm Bun bình phục

Ba năm nữa, Khăm Bun bình phục
TP - Sau ca mổ thành công sáng qua ở Liên đoàn Xiếc, voi Khăm Bun mất ít nhất ba năm nữa mới bình phục.

Khăm Bun lên bàn mổ từ chín giờ rưỡi hôm qua. Từ sáng sớm, nhóm điều trị voi đã có buổi họp kín, gồm đại diện Liên đoàn Xiếc VN, Vườn Thú Hà Nội, Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư, Viện Thú y, đại diện khoa Ngoại- Bệnh viện Việt Đức, thầy thuốc Khăm Phết Lào và vợ chồng chuyên gia Mỹ Nathan Henry.

Buổi phẫu thuật thu hút khá đông người tò mò. Báo chí bị đẩy ra khỏi phòng mổ, ngay cả khi cánh cửa mở ra để lấy ánh sáng phẫu thuật cũng không thể ghi hình.

Chỗ nằm của Khăm Bun được phun thuốc vô trùng và các vết lở loét cũng được bôi thuốc gia truyền của Khăm Phết Lào kỹ lưỡng. Nhân viên tổ thú- Liên đoàn Xiếc VN trói cố định chân Khăm Bun để gây mê.

Bác sỹ Thành- khoa Ngoại Bệnh viện Việt Đức- rạch một vết nhỏ dưới đế chân Khăm Bun, sau đó luồn kéo vào trong cắt các tế bào hoại tử. Mủ và máu chảy ra, chuyên gia nói: Thế là tốt! Phần đế chân của Bun có một số hoại tử, các bác sỹ tạm ngưng.

Sau ít phút hội chẩn tại chỗ, họ thống nhất không cắt những thớ thịt đế chân nhằm đảm bảo Khăm Bun đi đứng dễ dàng. Ca mổ kéo dài 45 phút, bằng thời gian mổ đẻ cho người. Bác sỹ thú y Liên đoàn Xiếc lau rửa, băng bó vết mổ trước khi buộc bao chân cho Khăm Bun.

Không như nhận định ban đầu, các bác sỹ thở phào nhẹ nhõm vì vết thương còn nông, chưa bị nhiễm trùng xương, có nhiều ngóc ngách nhỏ và nhiều ổ hoại tử.

Chuyên gia Nathan đánh giá cao loại thuốc gia truyền của Khăm Phết Lào, tuy nhiên loại thuốc này không được người chịu trách nhiệm về ca mổ- thạc sỹ thú y Đỗ Trọng Minh- chấp thuận dùng cho hậu phẫu, vì ông chưa biết rõ thành phần lá cây, thảo dược mà Khăm Phết dùng.

Bởi vậy, thuốc ngâm và rửa vết thương Khăm Bun những ngày tới sẽ là Betadine. Khăm Bun hoàn toàn tỉnh thuốc mê từ chiều qua.

Với chú voi Khăm Bun, giới thú y sẽ còn vất vả, các bác sỹ thừa nhận, ca mổ mới chỉ là bước đầu. Việc chăm sóc sau mổ sẽ cực kỳ gian nan và đòi hỏi việc đầu tư đầy đủ về khâu vệ sinh, chế độ dinh dưỡng, thuốc men cho Khăm Bun.

Chuyên gia Mỹ Nathan Henry dự đoán, việc hậu phẫu của Khăm Bun sẽ kéo dài ít nhất ba năm tới. “Trên thế giới, có những trường hợp điều trị chân voi mất hơn 10 năm”- lời Nathan. Nathan Henry và vợ phóng xe về Hà Nội rất sớm, dù anh đang bận bịu dự án hỗ trợ người nghèo tại Thái Nguyên.

Hôm đến Rạp xiếc thăm khám Khăm Bun, anh nói sẵn sàng xắn tay áo vào phụ mổ cho các bác sỹ VN, “Nhưng hôm nay tôi không được mời mổ. Đây là con voi mà nhiều người Việt quan tâm. Tôi là người nước ngoài, dĩ nhiên là rất quan tâm rồi”- Nathan nói.

Ngấm thuốc, Khăm Bun đổ người lên sàn sắt, một chiếc ngà đâm xuống sàn xi măng, may mắn không bị gãy. Chính vì điều này, sau ca mổ, bác sỹ Doanh- Viện Thú y khuyến cáo lần sau nên dùng ít thuốc mê và cẩn trọng hơn. 

 Khăm Phết Lào, trước khi mổ voi đã có một đêm mất ngủ, dù ông đã uống thuốc gia truyền. Sau mổ, ông lại trầm ngâm nói với Tiền Phong: “Tại sao một vết thương nhỏ, chưa sâu như thế lại làm khổ con Bun mấy năm liền? Tôi không hiểu được”. Còn thạc sỹ Đỗ Trọng Minh thì không cho rằng đây là ca mổ, mà chỉ là rạch xử lý vết thương.

MỚI - NÓNG