Ba món hàng độc của Céline cho mùa giải văn chương 2008

Ba món hàng độc của Céline cho mùa giải văn chương 2008
TP - Mùa giải văn chương Pháp mà tâm điểm là giải Goncourt luôn luôn gây sửng sốt. Vài năm nay, những bài học lịch sử thường được xới lên, như để những người cầm cân nảy mực cẩn trọng hơn trong việc chọn mặt gửi vàng.
Ba món hàng độc của Céline cho mùa giải văn chương 2008 ảnh 1

Năm 2008, từ giữa cho đến cuối tháng mười, lần lượt xuất hiện trên thị trường sách và nghe nhìn ba món “hàng độc” của Céline (1894-1961), cây bút cự phách hiếm hoi và tai tiếng còn dài trong đời sống văn hóa Pháp hiện đại, người đã hằn lại trong lịch sử giải Goncourt một vết nhơ lồ lộ.

Trước hết, hộp đĩa Céline vẫn đang sống, gồm hai đĩa DVD, 67 và 116 phút, phát lộ ông trong đời sống thường nhật và những giây phút trải lòng quý báu, qua đó, báo chí Pháp đang nức nở rằng ông là một diễn viên điện ảnh gạo cội.

Căn cứ chủ yếu để khẳng định như vậy là ba cuộc trao đổi mà ba nhà báo can đảm thực hiện trong các năm 1957, 1958, 1959 cho truyền hình thời ấy vốn thuộc độc quyền nhà nước.

Chỉ cuộc trò truyện thứ nhất được phát sóng thôi. Khán giả hôm nay thấy ông nổi hơn các nhân vật khác, ông - một người nho nhã, vui tính, nồng nhiệt và không hề có vẻ “đểu cáng” hay “phản động” và “phản bội”, như  những kẻ thù của ông vẫn nặng lời.

Việc ông được chăm lo lưu giữ hình ảnh như thế, chuyện hi hữu thời bấy giờ, là một bằng chứng về tầm vóc của tác giả Đi tận sáng đêm. Bộ đĩa được phục chế công phu từ các đĩa tư liệu, đang được say mê ghê gớm. 

Món “hàng độc” thứ hai là bộ hồ sơ Vụ Louis-Ferdinand Céline, phụ đề Tài liệu lưu trữ của sứ quán Pháp tại Copenhagen 1945-1951. Về nguyên tắc, nó chỉ được mở ra vào năm 2051, tức một thế kỷ sau khi bị đóng lại.

Nhiều cuộc thương thảo đã được tiến hành. Lần đầu tiên, một biệt lệ được chấp thuận: nhà báo David Alliot được phép tra cứu. Ông lấn tới, xin được phép công bố nó trọn vẹn.

Được biết, Céline có tiền tiết kiệm gửi ở Đan mạch. Ông không giấu giếm tư tưởng bài Do Thái của mình. Năm 1944, thấy trước thắng lợi của quân đồng minh, ông chủ động đến “hợp tác” với chính phủ Vichy đóng đô tạm thời tại thành phố Sigmaringen của Đức, dụng ý là sang Đan mạch.

Ông sang đây cũng để tránh bị rắc rối về sau ở Pháp, ví như cuộc thanh lọc ghê rợn khi Đại chiến II chấm dứt. Có điều, ông bị cả quân Đức lẫn đồng bào mình nghi ngờ là cộng tác viên ám muội cho địch. Thế là ông bị tống giam ba tháng.

Ra khỏi nhà tù Sigmaringen, ông xuyên qua nước Đức và vất vả lắm, tháng Ba năm 1945, ông mới tới Copenhagen. Không bao lâu, ông bị một người Pháp tử tế tố cáo là phần tử đáng ngờ.

Đại sứ Pháp báo cáo về Bộ ngoại giao. Bộ ngoại giao Pháp đề nghị chính phủ Đan mạch dẫn độ ông về Pháp, với tội danh phản bội Tổ quốc. Đan mạch không chấp thuận và cho ông vào tù.

Tuy nhiên, Đan mạch yêu cầu phía Pháp cung cấp những chứng cớ phạm tội của Céline, song mãi vẫn không có được. Vì thế, nhà văn được trả tự do sau 18 tháng bị giam, song chưa được phép rời Đan Mạch.

Luật sư người Đan Mạch của ông cho ông tá túc trên một gian kho áp mái, rồi ẩn danh bên bờ biển Baltique, trong một túp lều tồi tàn. Tại Pháp, người ta kết án ông vắng mặt một năm tù giam và tịch thu tài sản.  

Một luật sư Pháp tích cực can thiệp, chứng minh ông là thương binh, kết quả, tòa án binh Pháp tái xét xử; ông được ân xá, tài sản được trả lại. Tháng Tư năm 1951, ông được về Pháp đoàn tụ cùng gia đình, tiếp tục viết văn và hành nghề thầy thuốc.

Món “hàng độc” thứ ba nằm trong số những cuốn sách chưa từng được công bố hay không được công bố nữa sau lần in đầu. Céline được khẳng định là một trong những ngòi bút quan trọng nhất của thế kỷ 20 nhưng một phần ba tác phẩm của ông đã gần 80 năm “không tồn tại đối với độc giả”.

Trung thành với ý nguyện của chồng, cụ bà Lucette Almanzor nói trên, đã 90 tuổi, trước sau đều từ chối tái bản hay giới thiệu chúng. Céline muốn vậy, một phần để tránh cãi cọ đau lòng, phần khác, để tránh bị hiểu lầm.

Thế nên, cuối tháng Mười năm nay, lần đầu tiên, bác học và dân thường hồi hộp lần giở từng trang Nhật ký trong tù của ông, tựa đề Một Céline khác. Đấy là những ghi chép của ông trong 18 tháng bị giam trong khu tử tù ở Copenhagen, đớn đau, kiệt quệ, bàng hoàng.

Ông hối hả “bôi đầy” nhiều quyển vở học sinh Đan Mạch, chữ viết kiểu tốc ký nghuệch ngoạc, giờ đang ngân lên bao tiếng lòng xao xuyến mọi tấm lòng. “Người tôi lúc nào cũng như ngây ngấy sốt, lúc nào cũng ngân nga âm nhạc”. “Tôi từng muốn ngăn cản chiến tranh, tất cả chỉ có vậy. Tôi đã đem toàn bộ đời tôi ra đánh bạc. Tôi đã mất hết… Tôi điên mất rồi”. “Một tâm hồn tinh tế, khao khát vinh quang, bây giờ lao lung điêu đứng vì bị bôi nhọ bởi những cú thóa mạ “gây rối”, “phiến loạn”, “phản thùng”…”…

Và thỉnh thoảng ông nhìn dãy cọc tử hình ngoài ngục tối. Điều ông trăn trở nhất là số phận vợ ông, vũ công trẻ Lucette. Ông thấy nàng gầy đi. Ông cầu mong nàng giữ gìn những gì đã có giữa hai người.      

Một chút giận hờn: “Ông (Chateaubriand) luôn mơ thấy nước Pháp, mơ thấy tâm hồn Pháp, tôi cũng thường xuyên mơ như vậy, tôi, con chó lông xù khốn khổ”.

Một phát hiện thú vị: trong làng văn, Céline là một cây hài có hạng, nét duyên vốn dễ bị chất hiện thực và anh hùng ca che khuất. Cho nên, ông viết chí lý rằng: “Những người luôn vui vẻ thì không nguy hiểm; và những biến loạn nhà nước, những mưu mô đủ loại, những cuộc ám sát đều do những người ý tứ, buồn bã và gian xảo trù liệu và thực hiện”. “Từ thời điểm bạn bước trên một xác người, một xác thôi, bạn sẽ không còn gì nữa, đống xác người sẽ giữ chân bạn”…

Người ấy thì văn ấy là đương nhiên. Không chủ tâm hiến mình cho văn chương, ông đi lính trong Đại chiến I, bị thương nặng, được vinh danh như một anh hùng, rồi học y khoa, trở thành bác sỹ, làm việc cho Liên Hiệp Quốc, đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, cuối cùng về Pháp, mở phòng mạch tư, rồi phục vụ trên một tầu thủy đường dài, sau đó về ở với mẹ, rồi lại chu du trên một con tầu xuyên đại dương, sau chót về trụ lại ở ngoại ô Paris năm 1941, làm việc cho một bệnh viện nhỏ, cho đến cuộc phiêu lưu đã được đề cập.

Xin lưu ý, luận văn tiến sỹ Y khoa năm 1924 của ông được coi là một tác phẩm văn chương thứ thiệt. Thời gian ở Clichy, để lấp đầy những đêm mất ngủ, ông viết tiểu thuyết, như một trò giải trí. Chất liệu là những trải nghiệm của bản thân qua những vùng đất ông từng đi qua hay làm việc. Ông chọn tên riêng của mẹ tức cũng của bà, Céline, làm tên tác giả. Năm 1932, Đi tận sáng đêm  ra đời.

Nó liền được đồng thanh khen ngợi, như một kiệt tác cổ điển mới mẻ, với tính hiện thực nhói đau - ở bất kỳ đâu, thời chiến hay thời bình, một nhóm có đặc quyền vẫn bóc lột không nương tay đa số lam lũ, đa số này là người lính ở mặt trận, công nhân và nông dân ở hậu phương, người làm nghề tự do trong xã hội…, với ngôn ngữ của quảng đại dân chúng.

Nó mở đường cho một cuộc cách mạng. Lọt vào nhóm rất ít những cuốn sách chủ chốt của thế kỷ, nó không ngừng khiến cho Céline được sùng bái tột đỉnh và bị đả kích tơi bời.

Thời gian vén lên bức màn hư ảo: nhiều người thù ghét ngòi bút xoáy sâu tới tận cùng sự thật. Khoảng hai năm 1937 và 1938, ông tung ra mấy tập văn châm biếm cay độc nhằm vào thói vờ vịt và xu thời mà đối tượng chính là các bạn văn. Những cú ném đá giấu tay rõ ràng là ác hiểm…

Không ngẫu nhiên, năm 2001, bản thảo Đi tận sáng đêm được mua trong một cuộc bán đấu giá tới 1,82 triệu euros, tương đương 35 tỷ tiền Việt. Ngay năm 1932, nó được đề cử cho giải Goncourt. Ba trong mười viện sỹ Goncourt ủng hộ. Một viện sỹ kỳ cựu - tin rằng rốt cuộc Viện đã tìm được Goncourt đích thực - vận động được Viện trưởng (một phiếu tính hai) và em ruột ông ta sẽ bỏ phiếu cho nó.

Song đến giờ chót, hai vị nuốt lời. Bị hai nhà báo chỉ trích đã “bán phiếu” cho một nhà xuất bản, Viện trưởng kiện ra tòa và không rút đơn khi có lời xin lỗi của một bên bị. Nhà báo còn lại thua kiện, phải nộp cho Viện trưởng 30.000 francs…  

Khuất Lệ Lan - Triệu Đàm
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG