Bà mẹ nuôi của đại úy Thành

Bà mẹ nuôi của đại úy Thành
TP - Bây giờ đại úy Lương Đình Thành, Chính trị viên phó Phân đoàn 12, thuộc Sư 3, đoàn Sao vàng Anh hùng đã có một “đại gia đình” nơi biên ải xứ Lạng. Ký ức tuổi thơ buồn vẫn còn hằn ghi  nhưng nó cũng đã lại mang cho anh nhiều điều kỳ diệu trong cuộc sống. 

Tháng 3/1983, Thành lên mười tuổi cũng là lúc miền Trung chịu nhiều thiên tai nên người cô đã dắt Thành rời quê ra Hà Nội kiếm sống. Không may, Thành lại lạc mất người cô.

Trong lúc bơ vơ, đói rét ở bến xe, Thành được một chú bộ đội đưa lên miền biên giới nhờ một người bác họ ở thị trấn Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) chăm nom.

Khi đó Thành gầy yếu, bị giun chui ống mật nên lại càng xanh xao. Bà Lương Thị Hợp, người hàng xóm là cán bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Sơn đến xin Thành về làm con nuôi. 

Từ khi có Thành, bà Hợp ở vậy nuôi con mặc dù lúc đó  chưa đến ba mươi tuổi. Bà Hợp thường kể cho Thành nghe về truyền thống cách mạng của gia đình bà, trong đó có người mẹ Lý Thị Chuyên (sinh năm 1916) đã có công nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo cao cấp Đảng hoạt động bí mật trên quê hương Bắc Sơn.

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp PTTH, Lương Đình Thành đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ và sau đó anh thi đỗ trường Sỹ quan Lục quân 2.

Đại úy Thành xúc động nhớ lại ngày tốt nghiệp trường sỹ quan được về công tác tại Quân khu I, anh về nhà báo công đồng thời giới thiệu với mẹ nuôi về người yêu của mình đang là y tá bệnh xá của đơn vị. Hai mẹ con ôm nhau mừng đến chảy nước mắt.

Tình cờ trong một lần gặp gỡ 2 sĩ quan quê ở Thanh Hóa lên công tác tại Lạng Sơn, Lương Đình Thành đã có manh mối và tìm được bố mẹ đẻ sau 24 năm thất lạc đang sinh sống tại xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Kể từ đó, năm nào bố mẹ đẻ của anh Thành cũng ra thăm bà Lương Thị Hợp và hai gia đình đã thân thiết như ruột thịt. 

Tâm sự với phóng viên Tiền phong, bà Lương Thị Hợp nói: “Tôi là người phụ nữ dân tộc Tày, vốn được thừa hưởng truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương. Việc chăm sóc, cưu mang Thành là trách nhiệm, tình thương của những người làm cha, làm mẹ.

Điều tôi sung sướng nhất khi về già được chứng kiến Thành trưởng thành trong quân đội và tìm được bố mẹ đẻ. Còn đại úy Lương Đình Thành xúc động nói: “Suốt đời tôi ghi nhớ công nuôi dưỡng của mế Hợp. Nhờ mế, tôi mới có ngày hôm nay”. 

Thông qua bài viết này, đại úy Thành rất mong gặp lại chú bộ đội năm xưa đã đưa Thành lên Bắc Sơn để bây giờ anh có thêm một người mẹ nuôi phúc hậu.  

MỚI - NÓNG