Theo đó, có có 3 luật sư tham gia bào chữa, trong đó 1 luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, 2 luật sư Đoàn luật sư TPHCM và một trong hai luật sư tại TPHCM từng công tác trong ngành công an.
“Các luật sư nhận được yêu cầu bào chữa từ gia đình bà Nguyễn Phương Hằng. Sau đó, từ trại tạm giam, bà Hằng chấp nhận các luật sư mà gia đình mời và Cơ quan tố tụng có thông báo cho các luật sư biết để tham gia bào chữa cho bị can Nguyễn Phương Hằng”, nguồn tin cho hay.
Bà Nguyễn Phương Hằng tại Cơ quan điều tra Công an TPHCM. Ảnh: C.A |
Ngày 24/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Hiện bà Hằng đang bị tạm giam, sau lần gia hạn tạm giam lần thứ 3 vào đầu tháng 9/2022.
Cơ quan CSĐT Công an TPHCM là đơn vị đang thụ lý vụ án, sau khi Viện KSND TPHCM có quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ những người có vai trò đồng phạm với bà Hằng.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp qua mạng Internet để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau về chuyện bí mật đời tư cá nhân của các ông, bà V.N.H.L, bà N.T.M.O, bà Đ.T.H.N, gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của những người này.
Tại Cơ quan điều tra, bà Hằng thừa nhận, những nội dung bà phát ngôn về các cá nhân kể trên trong các buổi livestream là do bà đọc trên mạng Internet, đọc báo và “nằm mơ” chứ chưa được kiểm chứng và không có căn cứ chứng minh.
Ngoài vụ án tại TPHCM nêu trên, mới đây Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cũng đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng, về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại địa bàn tỉnh Bình Dương.