Giữa cái nắng nóng như thiêu đốt buổi thi đầu tiên, các thí sinh bên trong đang cố gắng để làm bài thi, bên ngoài Hội đồng thi, các phụ huynh cũng căng thẳng không kém. Từng phút trôi qua các phụ huynh luôn trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm nghĩ đến các sĩ tử đang làm bài thi bên trong phòng.
Tại Hội đồng thi cơ sở 2, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) sáng nay có một phụ huynh đặc biệt. Chúng tôi gặp bà đang hướng mắt nhìn vào phía trong khu vực các thí sinh đang thi. Người đàn bà tóc đã bạc, mắt đã nhập nhèm và đôi chân không còn nhanh nhẹn. Sau một hồi tiếp xúc, chúng tôi mới biết bà đã không ngại gian khó, vượt quãng đường hơn 100km để đưa cháu đi thi.
Bà là Võ Thị Đào, quê ở xóm 6, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Bà Đào đưa cháu gái mình là thí sinh Thái Thị Quý, dự thi khối C vào ngành Sư phạm Mầm non, trường ĐH Hồng Đức.
Bà Đào cho biết: “Ban đầu, cháu nó định làm hồ sơ dự thi vào trường ĐH Vinh (Nghệ An), nhưng lại bị ốm nặng phải nằm bệnh viện điều trị nên không làm hồ sơ kịp được. Vì thế mà cháu nó phải làm hồ sơ dự thi ra trường ngoài này, dù xa nhà nhưng đây cũng là ngành học mà cháu yêu thích. Cả gia đình đều đồng ý và ủng hộ cháu”.
Nụ cười rạng rỡ của bà khi nhìn thấy cháu thi ra.
Hai bà cháu hỏi han nhau sau khi kết thúc buổi thi.
Khi được hỏi vì sao bố mẹ không đưa em Quý đi thi, bà Đào chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, cháu Quý đã ở với ông bà tôi. Khi đến tuổi đi học, vợ chồng tôi cũng là người đưa cháu đi học và nuôi cháu cho đến giờ đã học hết lớp 12. Cháu làm hồ sơ thi ở Thanh Hóa, xa nhà hơn 100km, bố mẹ cháu bảo hai vợ chồng cũng chưa đi ra ngoài bao giờ cả nên nhờ tôi đưa cháu đi thi. Thế là hai bà cháu lên đường ra ngoài này”.
Quý là con đầu trong gia đình có ba chị em. Bố mẹ Quý quanh năm ở nhà làm ruộng, thu nhập cho cuộc sống gia đình cũng còn nhiều khó khăn nên phải nhờ ông bà chăm nuôi Quý từ khi còn nhỏ. Ngoài chăm nuôi, Quý còn được ông bà dạy dỗ học hành hàng ngày và phụ giúp ông bà làm các công việc nhà trong gia đình.
Được biết, chồng bà Đào là bệnh binh, mỗi tháng cũng được một khoản tiền lương ít ỏi. Ông để dành khoản tiền này cho cháu Quý ăn học. Bên cạnh đó, vợ chồng bà Đào còn chăn nuôi thêm gà, lợn, trồng lúa, trồng rau để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Cứ thế mà 12 năm qua em Quý lớn lên nhờ vào bàn tay nuôi dưỡng của ông bà.
Hai bà cháu Quý bắt đầu ra Thanh Hóa để chuẩn bị cho kỳ thi vào sáng ngày 7/7. Sau hơn nửa ngày đường, hai bà cháu mới ra tới Thanh Hóa. Khi mới tới nơi, bà Đào nhờ người bạn của một người quen ở Thanh Hóa đón rồi đưa về phòng nghỉ ngơi. Đến chiều, hai bà cháu mới đi tìm phòng ở trọ. Cũng may mắn cho bà Đào và em Quý đã thuê được một phòng trọ ở ngay gần địa điểm thi.
Mỗi ngày số tiền thuê trọ của cả hai bà cháu hết 60.000đ, chưa kể tiền ăn uống, tiêu vặt bên ngoài. Bà Đào cho hay: “Số tiền mà hai bà cháu mang đi thì là tiền mà bố mẹ Quý đã tích cóp được nhờ bán chè, bán lúa. Ngoài ra ông nhà tôi cũng dồn tiền lương hàng tháng lại rồi cho cháu 1 triệu đồng đưa cho tôi để đem cháu đi thi. Hôm đi xe ô tô ra đây, hai bà cháu tiêu gần hết 500 nghìn rồi cả tiền xe và tiền ăn. Ngày mai thi xong hai bà cháu tôi sẽ về quê luôn”.
Khi tiếng trống báo hiệu hết giờ làm bài, bà Đào từ chỗ ngồi chờ đứng dậy đi ra trước cổng trường để đón cháu. Thấy nhiều thí sinh làm xong bài ra ngoài nhưng vẫn chưa thấy cháu mình ra, bà Đào ngóng trông cháu từng giây. Khi thấy cháu ra, bà Đào mừng ra mặt, nở một nụ cười hiền hậu. Mọi ánh mắt của các thí sinh và phụ huynh khác đều đổ dồn về phía hai và cháu. Ai cũng khen ngợi bà Đào, đã già nhưng vẫn còn sức khỏe dẻo dai để đưa cháu đi thi với quãng đường xa.
Biết cháu làm được bài, bà Đào lại càng vui mừng hơn. Em Quý cho biết: “Em làm bài xong hết, chắc chắn được 50%, 50% còn lại thì cũng làm tạm ổn nhưng còn phải chờ kết quả đã. Hai môn sau em mà làm được bài như môn thi này thì chắc chắn sẽ có cơ hội đậu”.
“Đời tôi chỉ học hết lớp 4 bình dân học vụ rồi về làm ruộng, lấy chồng. Tôi rất mong cháu thi đậu được vào Đại học nghề sư phạm mần non mà cháu yêu thích. Đi học có được cái nghề đỡ khổ cho bản thân. Mai này cũng không phải làm nông như ông bà bố mẹ nữa”.
Trưa nắng, từng dòng người từ cổng trường chia nhau đi về các ngả đường, các thí sinh có phụ huynh đón đưa về nhà để nghỉ ngơi. Hai bà cháu Quý cũng trở về phòng trọ, dáng hai người một già một trẻ dìu nhau đi cũng khuất dần sau dòng người đông đúc rồi đi vào con ngõ nhỏ. Họ lại chuẩn bị ăn bữa cơm trưa nơi đất khách quê người. Sau đó nghỉ ngơi để đầu giờ chiều lại tiếp tục cùng nhau “vượt vũ môn”.
Theo Thái Bá