Ba dự án luật do Bộ Công an, GTVT soạn thảo có thể trình Quốc hội kỳ họp tới

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. ẢNH Quang Khánh
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. ẢNH Quang Khánh
TPO - Đối với 3 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo ông phúc, sau khi Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 11 tới.

Chiều 9/12, thông tin ban đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 diễn ra vào đầu năm 2021, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp này Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Riêng đối với 3 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo ông phúc, sau khi Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét trình Quốc hội 3 dự án Luật này.

Đây là 3 dự án Luật nhận được rất nhiều ý kiến với những quan điểm trái chiều từ kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa qua. Đặc biệt, khi lấy ý kiến thăm dò, trên 50% trên tổng số đại biểu không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ ra làm hai luật; đồng thời cho rằng chưa cần thiết ban hành
Cũng theo dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp 11, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu sẽ cân nhắc phương án họp trực tuyến. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong 7,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24/3/2021 và bế mạc vào ngày 2/4/2021.
Tổng kết kỳ họp thứ 10 vừa qua, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, kỳ họp thứ 10 tiếp tục thành công về nội dung cũng như cách thức tiến hành, góp phần cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV. Sau 18 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với việc thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật khác.

"Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định Quốc hội đoàn kết, trí tuệ, chuyên nghiệp, dân chủ, công khai, luôn đổi mới, trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân; đồng thời, thể hiện sự chia sẻ, đồng hành, quyết tâm cùng Chính phủ, các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn và đưa ra những giải pháp có tính căn cơ, thiết thực, hiệu quả", ông Phúc cho hay.

Cũng theo Tổng Thư ký, các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến được xem xét kỹ lưỡng, toàn diện từ sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đánh giá tác động cho đến nhiều nội dung cụ thể. Trong đó, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện chính kiến, quan điểm rất rõ ràng, thuyết phục đối với 3 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

"Việc kịp thời gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về một số nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau của 3 dự án này thể hiện sự cầu thị, lắng nghe, làm cơ sở quan trọng để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện", ông Phúc cho hay.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ và bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bãi nhiệm 1 đại biểu Quốc hội. Công tác nhân sự được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục theo luật định, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký cũng cho rằng, kỳ họp vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục, điển hình như tình trạng chậm gửi hồ sơ tài liệu chưa có chuyển biến tốt, thậm chí còn có bước lùi so với một số kỳ họp giữa nhiệm kỳ; các nội dung đề nghị bổ sung gấp vào kỳ họp tăng lên so với kỳ họp trước.

Ngoài ra, một số dự án luật được chuẩn bị chưa kỹ, thiếu tính thuyết phục, đánh giá chưa đầy đủ tác động của dự án Luật. "Một số câu hỏi chất vấn còn dài, chưa rõ ràng; có Bộ trưởng trả lời đôi khi còn chung chung, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể nên đại biểu phải tranh luận, trao đổi lại", ông Phúc cho hay.

MỚI - NÓNG