Nhiều đầu mối quản lý để dễ… đá bóng trách nhiệm?
Vấn đề trên được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ tại hội thảo “Tăng cường sự phối hợp trong công tác bảo tồn thiên nhiên tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên” do Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam phối hợp vừa tổ chức tại Đà Nẵng .
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, nước ta có 164 khu bảo tồn thiên thiên (KBT) gồm 3 hệ thống KBT: hệ thống rừng đặc dụng, hệ thống KBT biển, hệ thống KBT ngập nước. Tuy nhiên, diện tích còn nhỏ lẻ, phân bố rải rác và không liên kết với nhau. Trong đó, chỉ có 6 Vườn quốc gia do Bộ NN&PTNT quản lý, còn lại hệ thống quản lý chồng chéo, chưa thống nhất. Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích các KBT sẽ chiếm 9% diện tích đất liền và 0,24% diện tích các vùng biển.
“Chủ rừng là Sở NN&PTNT, đa dạng sinh học là do Sở TN&MT quản lý, các vùng đất khác (vùng đệm) lại do chính quyền địa phương theo dõi…
Bà Lê Thị Trang,
Phó Giám đốc
Trung tâm bảo tồn
đa dạng sinh học
Nước Việt Xanh
(quận Sơn Trà, Đà Nẵng)
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiệp (Vụ Bảo tồn thiên nhiên - Tổng cục Lâm nghiệp), các luật và bộ luật ở Việt Nam về vấn đề BTTN và tội phạm liên quan đến đa dạng sinh học khá đầy đủ, hoàn chỉnh nhưng vẫn còn chồng chéo. Cụ thể giữa các luật, nghị định... còn chưa thống nhất về tên gọi, phân hạng, quy chế và phân công nhiệm vụ quản lý các hệ thống KBT.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho rằng, việc quản lý các KBTTN, các loài động vật nguy cấp quý hiếm vẫn chưa thể quy về một mối, chồng chéo giữa các cơ quan, ban, ngành.
Trao đổi bên lề hội nghị với Tiền Phong, bà Lê Thị Trang, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nói: “Chủ rừng là Sở NN&PTNT, đa dạng sinh học là do Sở TN&MT quản lý, các vùng đất khác (vùng đệm) lại do chính quyền địa phương theo dõi… Vì vậy, khi một sự việc xảy ra luôn có tình trạng đá quả bóng trách nhiệm cho nhau. Cần thành lập một ban thống nhất, trong đó có thành viên của các đơn vị liên quan để cùng nhau quản lý, theo dõi và xử lý các vi phạm”.
Truy quét ít, phạt nhẹ, lâm tặc được đà xâm hại
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiệp, việc quan tâm chỉ đạo bảo vệ động vật hoang dã tại các KBT ít hơn việc phòng cháy chữa cháy rừng, lấn chiếm KBT... Từ đó việc quản lý người ra vào khu bảo tồn săn bắt động vật thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, công tác tuần tra, truy quét còn quá ít; mức xử phạt vi phạm “người vào rừng trái phép” còn quá nhẹ.
Đại diện KBT Ngọc Linh (Kon Tum) cho hay, lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng của đơn vị này mới chỉ đáp ứng được 40% so với quy định. Nên công tác phối hợp tuần tra, xử lý vi phạm của các đơn vị chức năng còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên. Việc chế tài xử phạt vi phạm còn nhẹ, chưa kịp thời, đặc biệt là vi phạm hành chính nên người vi phạm có biểu hiện coi thường pháp luật.
Vị này cũng đề xuất nên thành lập thêm các Tổ bảo vệ rừng tại thôn bản (5-7 người/tổ), mỗi tổ tại các xã có nguy cơ vi phạm lâm luật cao với lực lượng chủ yếu là công an, BCH quân sự, Đoàn thanh niên các xã. Tổ này chịu trách nhiệm điều động, chỉ đạo của Giám đốc BQL Khu bảo tồn trong việc tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại khu vực được giao quản lý, đồng thời phối hợp với trạm kiểm lâm địa bàn kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật.
Chia sẻ về kinh nghiệm tuần tra, đại diện KBT Sao La (Thừa Thiên - Huế) cho biết, toàn bộ KBT được chia ô, mỗi đội tuần tra (gồm 1 đội trưởng, 3 bảo vệ rừng, 1 quản lý trại và 1 kiểm lâm) quản lý một ô. Mỗi đội thực hiện 2 đợt tuần tra/tháng, mỗi đợt kéo dài khoảng một tuần, tuần tra bao phủ ô quản lý của đội mình. Nhờ mô hình sát sao này, KBT Sao La đã tuần tra 500 đợt với 2.000 ngày tuần tra, phá hủy 25.000 bẫy, dẹp 500 trại bất hợp pháp, cứu sống và thả vào rừng 30 cá thể động vật hoang dã…