Bá đạo

TP - Đường thư (mượn tên một bộ phim Việt Nam) của cha con anh chàng diễn viên tuồng ở đất võ Bình Định có kết cục quả là… gay cấn.

Bức thư “gửi bố đang công tác đảo xa”, cha hì hụi soạn đưa con gái lớp 5 chép lại, rồi chụp hình gửi lên facebook để câu like. Dù đăng vào trang “Hội những người thích chuyện vui cười, tiếu lâm”, nhưng cuối cùng không tiếu nổi“.

Em luôn nghĩ về anh. Em yêu anh nhưng anh không quan tâm đến em nên em rất đau khổ. Em quyết định không yêu anh nữa, em sẽ yêu con bác bảo vệ” - thư cô bé lớp 2 gửi cậu bé bàn trên.

“Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn. Nếu mẹ bạn Trần Nhật Minh là ngọn gió thì mẹ em là cơn lốc. Mẹ về đến nhà là cuốn sạch cái sân đầy lá mít cùng sỏi đá lẫn trái sấu non mà chúng em bày ra ban chiều. Mẹ cuốn đàn lợn vào giấc ngủ sâu êm đềm, quần áo lấm lem bùn đất vào chậu giặt. Tóm lại, mẹ có thể cuốn tất cả trừ một người lúc nào cũng say mèm là bố em” - bài văn tả mẹ bán thịt lợn của một cu cậu lớp 4.

Tấm hình chụp bài kiểm tra văn có đề bài: “Em hãy tả người yêu của em”. Phần bài làm của học sinh toen hoẻn có hai chữ “Em ế”. Lời phê của thầy/cô giáo: “Tôi cũng thế” kèm theo là điểm… Mười!

Tất cả những lá thư, bài văn kiểu đó được gọi vui bằng hai chữ “bá đạo”, theo nghĩa vô đối, không ai bằng. Mua vui là chính. Cuộc sống càng khó chịu đựng, chẳng có gì vui, càng lắm nghịch lý thì người ta lại càng tìm cách cười nhiều. Bức thư bị lộ sáng của cha con nhà anh hát tuồng cho thấy “công nghệ chế biến” quen thuộc của những bức thư, bài văn bá đạo được thể hiện dưới nét bút học trò bấy lâu nay trôi nổi trên mạng. Chỉ có điều lần này cho nguyên liệu và gia vị quá tay nên cháy khét.

Dù sao còn đỡ ngán hơn hội chứng tâm thư hết khoe khoang đến bêu riếu, xỉ vả moi móc lẫn nhau của giới showbiz.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn/Dù sao em cũng tuyệt hơn vài người”- lời phê bài văn trên mạng xã hội cũng không kém phần “bá đạo”.