Ông đã nêu trong bài viết nhan đề: “Vụ án tham nhũng Cốc Tuấn Sơn chứng minh điều gì?” được đăng trên báo điện tử Tin tức Tài chính. Bài báo đã tiết lộ một phần nội tình của vụ án, tổng kết nguyên nhân sâu xa việc Cốc Tuấn Sơn sa vào con đường tội lỗi. Đây là lần đầu tiên một quan chức quân đội chính thức lên tiếng về mức độ nghiêm trọng của vụ án Cốc Tuấn Sơn.
Ba đặc biệt
Đại tá Công Phương Bân năm nay 52 tuổi, hiện là Viện phó Viện nghiên cứu công tác chính trị, Phó chủ nhiệm Cục nghiên cứu xây dựng quân đội thuộc Viện KHXHQSQĐ, một người có thời gian làm công tác chính trị tư tưởng nhiều năm, đã khá quen thuộc với giới báo chí. Ông khẳng định trong bài viết: Vụ án Cốc Tuấn Sơn là vụ việc trong quân đội có vấn đề lớn nhất, tính chất xấu xa nhất kể từ 1949, có thể khái quát là vụ án “Ba đặc biệt”: số lượng đặc biệt lớn, tính chất hủ bại đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xã hội đặc biệt xấu.
Phủ cốc Tướng quân chất đầy vàng ròng
Ông Công Phương Bân cho biết: vụ án Cốc Tuấn Sơn tham nhũng tuy đã đi vào giai đoạn thẩm lý (điều tra xử lý), tội danh đã xác định rõ, nhưng sự thực phạm tội hiện chưa được công bố. Tuy nhiên, nhiều số liệu trên mạng đã rất gần với sự thực, bao gồm số lượng về tiền, vàng bạc, nhà cửa, rượu Mao Đài, đồng hồ, ngà voi, da hổ, tranh… Như vậy, ông Công Phương Bân đã xác nhận những thông tin về vụ án Cốc Tuấn Sơn tham nhũng được Tin tức Tài chính đăng tải trong 5 bài báo hồi đầu tháng 1/2014.
Trước Cốc Tuấn Sơn, Cục trưởng Xây dựng doanh trại, Trung tướng Vương Thủ Nghiệp (sau đó tấn thăng là Phó Tư lệnh Hải quân) bị lĩnh án tử hình (hoãn thi hành) về tội tham nhũng, nhưng Cốc không lấy đó làm gương, mà còn ngang ngược, càn bậy hơn. “Cơ quan và các đơn vị đều phản ánh, so với Vương Thủ Nghiệp, Cốc Tuấn Sơn to gan, hung hăng, ngông cuồng hơn nhiều. Lãnh đạo Tổng bộ Hậu cần (TBHC) khi nhắc đến Cốc Tuấn Sơn đều nói: nhiều quan tham khác lách quy định, chế độ để kiếm chác, còn Cốc Tuấn Sơn thì ngang nhiên đi ngược kỷ cương pháp luật”.
Ba nguyên nhân phạm tội
Thứ nhất, Cốc không tin vào lý tưởng, quay sang tin vào quỷ thần, coi một số thày bói, nhà phong thủy là thượng khách, thường xuyên mời họ đến nhà bói toán, cầu cúng. Để mong thần linh bảo hộ, Cốc đã lựa chọn, vung tiền xây ở Bộc Dương khu lăng mộ bố đẻ ở khu đất “phong thủy vượng nhất”. Sau khi bị cách chức, Cốc vẫn tin tưởng vào lời thầy bói “qua năm mới sẽ được phục chức”; khi Cốc bị bắt, trong túi quần vẫn nhét một mảnh bùa hình thanh kiếm bằng gỗ đào với ngụ ý sẽ thoát được sự trừng phạt của pháp luật.
Thanh kiếm bằng gỗ đào- bùa thoát tội của Cốc Tuấn Sơn
Thứ hai, lạm quyền, chuyên quyền, vượt quyền, hành động bất chấp tất cả. Những người quen biết Cốc Tuấn Sơn đều nói, y tự coi mình là người đặc biệt không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, dám làm tất cả, bất chấp hình ảnh, hậu quả.
Thứ ba, quan hệ dung tục, sinh hoạt bừa bãi, tha hóa, hủ bại. Cốc Tuấn Sơn văn hóa thấp, trình độ chính trị kém, hành vi rất dung tục. Khi hội họp không nói được câu ra hồn, nhưng bên bàn rượu thì ba hoa, bỗ bã suồng sã kiểu giang hồ, “không có tố chất, hình ảnh cần có của một cán bộ lãnh đạo quân đội cấp cao”.
Công Phương Bân viết: “Cốc Tuấn Sơn kết bè kéo phái, lập nhóm lợi ích; thích giao du, kết bạn với các ông chủ, nhân vật có lai lịch phức tạp, thường xuyên tụ tập ăn nhậu, chơi bời, chơi trò giao dịch quyền tiền”.
Công Phương Bân tiết lộ, lần đầu tiên khi lãnh đạo TBHC báo cáo vụ việc Cốc Tuấn Sơn lên Chủ tịch Quân ủy Hồ Cẩm Đào, đề nghị điều chuyển Cốc khỏi TBHC, nhưng Hồ Cẩm Đào không đồng ý, cho rằng người như thế đưa đi đâu cũng sẽ gây họa hại, quyết trừng phạt Cốc.
Sau khi lên chức, ông Tập Cận Bình rất quan tâm đến vụ việc Cốc Tuấn Sơn, đã hơn 10 lần nhắc đến tên y, đặc biệt chỉ thị phải làm đến cùng vụ việc.
Sau Đại hội 18, Quân ủy khóa mới đề ra một loạt biện pháp chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng pháp luật, bao gồm các quy định về tiết kiệm, thanh tra cán bộ lãnh đạo về kinh tế, đặc biệt là quy định “Gắn thăng cấp với kết quả thanh tra”, “Quy định về công tác tuần (tra) thị (sát)”.
Theo Tin tức Tài chính, ở Bắc Kinh, Cốc Tuấn Sơn đã chiếm đoạt hàng chục mảnh đất của quân đội tại Khu đất Vàng Nhị Hoàn, có hơn 30 căn hộ, mỗi căn 170 m2; ở Thượng Hải Cốc Tuấn Sơn hưởng lại quả 6% trong số 2 tỷ tệ tiền bán một khu đất của quân đội, 60% số tiền chênh lệch giá thuộc về Cốc; ở quê nhà Bộc Dương, Hà Nam, gia tộc họ Cốc chiếm dụng các khu đất lớn; số vàng bạc, của cải, rượu quý thu giữ khi khám xét nhà riêng ở quê phải dùng 4 xe tải lớn mới chở hết, riêng loại rượu Mao Đài chuyên dụng trong quân đội có tới trên 550 thùng.