Ba cơ quan xác minh giáo trình 'đường lưỡi bò' ở đại học Kinh doanh và Công nghệ

Công an điều tra vụ giáo trình có “đường lưỡi bò” ở trường KD&CN Hà Nội
Công an điều tra vụ giáo trình có “đường lưỡi bò” ở trường KD&CN Hà Nội
TPO - Ông Nguyễn Thế Nhị, Chánh văn phòng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xác nhận, Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an TP. Hà Nội đã có buổi làm việc với nhà trường về việc đưa cuốn giáo trình tiếng Trung có in bản đồ "đường lưỡi bò" vào giảng dạy. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và đào tạo và Cục Xuất bản Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã vào cuộc xác minh.

Chiều 5/11, Ông Nguyễn Thế Nhị, Chánh văn phòng Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, sau khi cơ quan báo chí thông tin về cuốn giáo trình có “đường lưỡi bò”, ngày 4/11, Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an TP. Hà Nội đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường.

Ba cơ quan xác minh giáo trình 'đường lưỡi bò' ở đại học Kinh doanh và Công nghệ ảnh 1 Công an điều tra vụ giáo trình có “đường lưỡi bò” ở trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

“Họ đến kiểm tra nội dung báo chí nêu, nhà trường cũng thừa nhận cuốn giáo trình có in đường lưỡi bò và đang thu hồi. Cơ quan Công an lập biên bản, mang về phục vụ cho quá trình điều tra và làm rõ số lượng đã thu hồi là hơn 900 cuốn”, ông Nhị cho biết.

“Tổng số sách photo copy bán cho sinh viên là 716 cuốn, đến nay đã thu hồi là hơn 900 cuốn (nhiều học sinh photo copy của nhau)”, ông Nhị cho biết.

Ngoài Công an TP Hà Nội, sau khi Tiền Phong và các báo phản ánh, Bộ Giáo dục và Đào tao cũng đã có công văn chỉ đạo. Lãnh đạo Cục Xuất Ban, Bộ Thông tin và truyền thông cũng cho biết đã vào cuộc.

Trước đó, nguồn tin riêng của Tiền Phong cho hay, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng giáo trình in hình ‘đường lưỡi bò’ làm tài liệu giảng dạy trong một thời gian dài. Ngày 22/10, khi phát hiện, lãnh đạo nhà trường cho thu hồi và hủy bỏ toàn bộ cuốn giáo trình này.

Tuy nhiên, không chỉ cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 có in bản đồ “đường lưỡi bò”, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn có hai 2 cuốn giáo trình khác cũng có những sai sót tương tự. Đó là cuốn Nghe sơ cấp (tên tiếng Anh là Elementary Listening Course) với bản đồ hình lưỡi bò (hình ảnh nhỏ hơn) và cuốn “Tổng quan về Trung Quốc” (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 2018” ghi quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa (ghi sai thành Tây Sa), quần đảo Trường Sa (ghi sai là Nam Sa).

MỚI - NÓNG