Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức tổng thống, ông Biden nói Nga tiếp tục thách thức phương Tây và Trung Quốc thì ngày càng ráo riết tìm cách trở thành “quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”.
Khi được hỏi liệu ông sẽ duy trì thuế quan đối với Bắc Kinh hay cấm hàng hóa Trung Quốc được sản xuất “bằng lao động cưỡng bức”, tổng thống Mỹ nói các câu hỏi là “chính đáng”, “nhưng chúng chỉ chạm vào phần nhỏ của mối quan hệ thực sự (giữa Mỹ) với Trung Quốc” Tuy nhiên sau đó ông Biden không đi vào chi tiết vấn đề quan hệ Mỹ - Trung mà nói sang chuyện khác, trong đó có những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt.
Những thách thức này đã định hình tầm nhìn chính sách đối ngoại của chính quyền của ông, một thách thức mà ngoại trưởng Antony Blinken đã thảo luận trong chuyến đi châu Âu củng cố liên minh NATO, mà mấu chốt nhất là sự đối đầu giữa “các chế độ chuyên quyền và dân chủ”, cụ thể là những thách thức mà Trung Quốc đặt ra.
“Trung Quốc có mục tiêu tổng thể là trở thành quốc gia giàu có nhất và quyền lực nhất thế giới. Điều đó sẽ không xảy ra dưới thời của tôi, bởi vì Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng”.
Tổng thống Biden
Một mục tiêu trong chính sách đối ngoại của ông Biden là cho người Mỹ thấy tầm quan trọng của sự can dự toàn cầu, nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự thịnh vượng, an toàn và hạnh phúc của người Mỹ ở trong nước với vai trò lãnh đạo và chính sách của Mỹ ở nước ngoài. Mục tiêu thứ hai, được ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh hồi tuần trước ở Nhật Bản và Hàn Quốc và tuần này ở châu Âu, là khôi phục các liên minh và thiết lập lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Cuộc đụng độ giữa chính quyền Biden và Trung Quốc bắt đầu tăng nhiệt với cuộc đối đầu bất thường giữa các quan chức cấp cao của đôi bên ở Alaska hồi tuần trước. Phía Trung Quốc tỏ ra gay gắt trước những lời chỉ trích của Mỹ về “hồ sơ nhân quyền” cũng như những hành vi bành trướng hung hãn ở các vùng biển châu Á.
Cuộc điện đàm Biden-Tập
Trong cuộc họp báo hôm 25/3, ông Biden đã thông báo về một cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với chủ tịch Trung Quốc Tập, trong đó “chúng tôi đã nói rõ với nhau một số điều”, theo tường thuật của CNN.
Theo lời tổng thống Mỹ, ông đã nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc “rằng chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu, mặc dù chúng tôi biết sẽ có cạnh tranh gay gắt” và rằng “chúng tôi nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải hành xử theo luật lệ quốc tế, cạnh tranh công bằng, hành vi đúng đắn, thương mại công bằng”.
Biden nói chính quyền của ông sẽ thực hiện ba thay đổi để cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc và cho tương lai. Đầu tiên, ông nói rằng sẽ đầu tư “vào công nhân Mỹ và nền khoa học Mỹ”.
“Thực tế, tương lai nằm ở trong tay ai làm chủ tương lai vì nó liên quan đến công nghệ, điện toán lượng tử, nhiều thứ, bao gồm cả lĩnh vực y tế”, ông Biden nói, và rằng sẽ đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu y tế và “các ngành của tương lai, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học”.
“Chúng tôi sẽ đầu tư thực sự”, ông Biden nói. “Trung Quốc đang đầu tư lâu dài bởi vì kế hoạch của họ là sở hữu tương lai đó”.
Ở bước thứ hai, Mỹ sẽ thiết lập lại các liên minh, cụ thể là tổng thống Biden sẽ tổ chức cuộc họp “liên minh các nền dân chủ” tại Washington, “thảo luận về tương lai” và “buộc Trung Quốc phải tuân theo các luật lệ”.
Bước đi thứ ba của tổng thống Biden là đảm bảo Mỹ đứng vững về các giá trị của mình và cáo giác sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Ông nói: “Nước Mỹ coi trọng nhân quyền. Chúng tôi không phải lúc nào cũng đáp ứng được kỳ vọng của mình nhưng đó là một hệ thống giá trị”.
Hôm 24/3 tại Bỉ, ngoại trưởng Blinken đã thừa nhận các vấn đề nghiêm trọng mà “nền dân chủ và các giá trị của Mỹ” phải trải qua trong những năm gần đây.
Ông Blinken nói thêm rằng thách thức chính mà Mỹ và các đồng minh gặp phải là chứng minh “trên thực tế, các nền dân chủ ưu việt hơn trong việc thỏa mãn những gì người dân cần và những gì họ muốn”.