Bà bầu tập thể dục: Coi chừng chảy máu âm đạo
Tập luyện rất tốt cho sức khỏe bà bầu và thai nhi. Tuy nhiên, thai phụ cần đặc biệt lưu ý vì nếu sơ sẩy trong quá trình tập luyện có thể gây chảy máu âm đạo dẫn đến sảy thai.
Theo các bác sĩ, phụ nữ nếu không có bất kỳ yếu tố nguy cơ đặc biệt nào gây hậu quả xấu đến mẹ và thai nhi thì có thể tập luyện trong quá trình mang thai với điều kiện phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Tránh tập ở tư thế nằm ngửa sau 3 tháng của thai kỳ vì tư thế này có thể làm giảm nhịp tim của người mẹ và giảm lượng máu giàu oxy đến nuôi dưỡng thai nhi.
Cần tránh đứng lâu một chỗ, trong quá trình mang thai phổi sẽ có ít chỗ để giãn nở hơn lúc này bài tập khi mang thai sẽ khiến người phụ nữ "thở không ra hơi" nhanh hơn. Vì có thể làm giảm lượng oxy, người phụ nữ phải điều chỉnh cường độ tập luyện của mình và ngừng tập khi thấm mệt.
Thân hình phụ nữ khi mang thai làm thay đổi trọng tâm của cơ thể, do đó cần tránh đi lại bằng một chân và tập luyện trên những bề mặt gồ ghề. Tránh tất cả những bài tập có khả năng gây chấn thương vùng bụng đùi như trượt tuyết, các môn thể thao va chạm.
Các bác sĩ cũng cảnh báo dấu hiệu cần dừng luyện tập khi mang thai như: chảy máu âm đạo, khó thở trước khi gắng sức, chóng mặt, đau đầu, đau ngực, yếu cơ, đau bắp chân hoặc phù, chuẩn bị chuyển dạ, giảm vận động của thai, rỉ ối… Khi có các dấu hiệu trên cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ sản khoa.
Sau sinh khoảng 4-6 tuần, chị em nên trở lại với thói quen tập luyện trước khi mang thai một cách từ từ dựa trên khả năng của cơ thể mình. Các bài tập này giúp giảm mệt mỏi, đau lưng, táo bón và sưng phù; tăng cường năng lượng cho cơ thể; cải thiện tâm trạng, cải thiện vóc dáng; giúp bà mẹ ngủ ngon hơn….
Theo Đông Bích
Báo Lao Động