Ba bài 'test' của Mỹ trước khi dụng binh tại Syria

Ba bài 'test' của Mỹ trước khi dụng binh tại Syria
TP - Vòng cung bao vây Syria được Mỹ và đồng minh thiết lập quanh quốc gia Trung Đông đang dần thu hẹp, sau khi tàu sân bay hạt nhân Eisenhower của lực lượng Hải quân Mỹ ngày 14/5 được Lầu Năm Góc điều động từ vịnh Ba Tư chuyển hướng sang Địa Trung Hải, một trong những cửa ngõ chiến lược dẫn vào Trung Đông.

> Mỹ xem xét lập vùng cấm bay ở Syria
> Mỹ tăng quân tới Jordan, viện trợ vũ khí cho đối lập Syria

Việc xuất hiện của tàu sân bay Eisenhower trùng với tuyên bố của Washington hỗ trợ vũ khí cho phe đối lập lật đổ chính quyền Bashar al-Assad.

Cùng ngày, lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết, ngoài việc để ngỏ khả năng áp đặt một vùng cấm bay hạn chế gần biên giới phía nam của Syria với Jordan, Washington đang xem xét đưa một đơn vị thủy quân lục chiến và tàu đổ bộ tới Amman để tham gia cuộc tập trận “Eager Lion”.

Trước đó, Mỹ đưa chiến đấu cơ F-16, hệ thống phòng thủ Patriot cùng 4.500 binh sĩ tham gia “Eager Lion” và khẳng định sẽ lưu lại tại Jordan sau khi kết thúc cuộc tập trận nhằm “đề phòng xung đột ở Syria có thể lan rộng ra Trung Đông”.

Những động thái đáng chú ý trên của Washington diễn ra chỉ ít giờ sau khi Nhà Trắng khẳng định có đủ bằng chứng cho thấy “quân đội Chính phủ Syria sử dụng chất sarin vào tháng 3/2013”, và điều này đã vượt “lằn ranh đỏ”.

Như thường lệ, đồng minh của Mỹ là Anh, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ… lập tức đánh tiếng ủng hộ Nhà Trắng. Tổng thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen thậm chí công khai hoan nghênh tuyên bố “rõ ràng” của Washington, và cam kết NATO sẽ bảo vệ đồng minh tại Trung Đông bằng hệ thống phòng không Patriot.

Diễn biến dồn dập xung quanh Syria đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại kịch bản Iraq dường như sắp lặp lại tại Syria. Cũng như 10 năm trước, Liên Hợp Quốc (LHQ), Nga và Trung Quốc cho rằng “không thể đảm bảo tính xác thực của bất cứ thông tin nào về cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học nếu thiếu bằng chứng thuyết phục” như lời Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Với những kế hoạch dụng binh dồn dâp, không ít nhà phân tích quốc tế tin rằng, Mỹ và NATO sẽ lại thêm một lần nữa phớt lờ LHQ, bỏ qua Nga và Trung Quốc để can thiệp quân sự vào Syria.

Tuy nhiên, khác với Iraq, lợi ích của Nga tại Syria là rất lớn. Muốn thay đổi chế độ tại Damascus, Washington sẽ phải tính toán chính xác đến từng bước đi trong ván cờ “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mátxcơva, cũng như cách thức “lobby” Nga để đảm bảo một khi ông Assad ra đi, lợi ích của Nga tại Trung Đông không bị sứt mẻ.

Như vậy, trước khi có thể “mạnh tay” với Syria, Mỹ còn phải thực hiện các bài “test” cực kỳ quan trọng: Hội nghị G-8 diễn ra trong hai ngày 17 và 18/6; cuộc gặp trù bị giữa LHQ, Mỹ và Nga trước Hội nghị quốc tế về Syria ngày 25/6; Hội nghị quốc tế về Syria (Geneva 2) dự kiến diễn ra trong tháng 7.

Đây chính là những cơ hội không thể tốt hơn để Mỹ “chứng minh” tính xác thực của nguồn tin tình báo, kêu gọi sự cần thiết phải thay đổi chính quyền Damascus, thậm chí cả phương án “thỏa hiệp lợi ích” với các bên… để sớm giành lấy quyền tự quyết tại Syria.

Nếu Washington thành công, đồng nghĩa “dấu chấm hết” dành cho ông Assad ngay trong tháng 7. Tuy nhiên, nếu Washington thất bại, thì vẫn rất ít người tin rằng, cơ hội tại Syria đã kết thúc với người Mỹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.