Ðắt hàng nghề viết hồi ký doanh nhân

Giao diện trang “Viết sách thuê”, dịch vụ viết hồi ký doanh nhân duy nhất công khai tại VN.
Giao diện trang “Viết sách thuê”, dịch vụ viết hồi ký doanh nhân duy nhất công khai tại VN.
TP - Nhân vật nổi tiếng trong ngành nghề của họ đặt hàng viết hồi ký với nhiều mục đích và cách thức khác nhau. Có người viết để ôn lại kỷ niệm, những cột mốc trong đời, có người muốn truyền lại kinh nghiệm kinh doanh cho con cháu và thế hệ trẻ vừa khởi nghiệp.

Chấp bút hồi ký ở ta chưa phổ biến như một nghề, bạn đọc chỉ mới biết đến công việc này nhờ lùm xùm  tự truyện, hồi ký của một vài văn nghệ sĩ. Thực tế có một số nhà báo, nhà văn, biên tập viên nhà xuất bản coi đây là nghề tay trái lẳng lặng, thú vị và thu nhập tốt. Theo giới chuyên môn, thị trường hồi ký cho doanh nhân đang màu mỡ, thênh thang và bỏ ngỏ. Khách đặt viết luôn trong tình trạng xếp hàng, cung không đủ cầu.

Mỗi doanh nghiệp là một trường đại học

Do đặc thù “ẩn danh người viết” nên tìm kiếm mãi trên thị trường mới chỉ thấy có duy nhất dịch vụ “Viết sách thuê” ra mắt công khai trên mạng xã hội. Trần Minh, điều phối nhóm, từng làm nhiều nghề liên quan đến tiếp thị, bán hàng, đại lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần đây anh làm giảng viên tại một trung tâm chuyên đào tạo về marketing. Qua kinh nghiệm, tiếp xúc với thành công, thất bại của chính mình và các đồng nghiệp Minh thấy mỗi doanh nghiệp đều có những bài học đáng giá trước khi có được thương hiệu.Mỗi doanh nghiệp là một trường đại học. "Bản thân tôi học được rất nhiều từ khách hàng hồi ký", Trần Minh thổ lộ. Minh động viên các chủ doanh nghiệp truyền lại kinh nghiệm khởi nghiệp cho những người trẻ đang chuẩn bị bước vào thương trường.

Phần hấp dẫn nhất của sách là những quyết định tự giải cứu khỏi nợ nần, bế tắc, phá sản và những hành xử thiếu tử tế, gian lận trong quá khứ của doanh nghiệp đó.

Doanh nhân Việt có lẽ vất vả và buộc phải sở hữu nhiều kỹ năng bên lề nhất thế giới. Luật chồng chéo, qui chế dẫm chân qui chế... Một doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ đối phó với chính sách bất hợp lý mà còn phải hóa giải rủi ro từ bãi đỗ xe đến ông hàng xóm thích gây hấn.

Nhái dáng sản phẩm, nhái tên, dìm đạp đối thủ …là những chiêu dễ gặp ở một doanh nghiệp non trẻ vô danh. Một đại gia sản xuất vật liệu nhôm kính thú nhận ngay cả tên sản phẩm của hãng ông cũng phải đặt gần giống tên của một nhãn đang nổi tiếng số 1 trên thị trường. Ông chỉ thêm mỗi chữ Plus. Người đó lý giải: “Lúc mới mở xưởng, tiền ít mối quan hệ chưa nhiều chúng tôi không đủ lực để tạo một thương hiệu mới toanh. Ðành phải dựa hơi vào tên một hãng có tiếng để đến nhanh với người tiêu dùng”. Bản thân hãng có chiến lược riêng và coi trọng chất lượng sản phẩm nên phát triển bền vững đến ngày nay.

Ðắt hàng nghề viết hồi ký doanh nhân ảnh 1

Có đại gia bất động sản giàu có rồi mới ăn năn nhớ về thời mới mở đại lý. Lẽ ra đại lý phải bán căn hộ chung cư bằng giá của môi giới nhưng anh ta lại ngầm bớt cho khách khiến khách bỏ môi giới đến thẳng đại lý. Người chủ này đã giàu bật lên nhờ hớt tay trên của môi giới. Trong hồi ký, doanh nhân này chia sẻ: “Thành đạt rồi tôi mới thấy thương những người môi giới. Lúc đó họ ngơ ngác không hiểu vì sao không bán được hàng. Giờ tôi đang bằng mọi cách bù đắp lại cho họ”.

Sai lầm phổ biến đẩy một doanh nghiệp đến thua lỗ là không xác định rõ đối tượng khách hàng, chạy theo số đông. Một công ty nội thất từng thành công rồi bỗng rơi vào ế ẩm. Nguyên liệu gỗ họ sử dụng đã tràn làn, mẫu mã lỗi thời. Mọi việc thay đổi khi họ tìm ra một loại gỗ hiếm, đổi phong cách hướng vào đối tượng khá giả “sợ hàng chợ”.

Tiếp xúc với nhiều mẫu người trong giới doanh nghiệp, Trần Minh cho rằng doanh nhân Việt có lẽ vất vả và buộc phải sở hữu nhiều kỹ năng bên lề nhất thế giới. Luật chồng chéo, qui chế dẫm chân qui chế, ngoài đảm bảo có sản phẩm chất lượng , lãnh đạo doanh nghiệp đó phải là người linh hoạt, mềm mỏng để chèo lái công ty. Một doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ đối phó với chính sách bất hợp lý mà còn phải hóa giải rủi ro từ bãi đỗ xe đến ông hàng xóm thích gây hấn. “Chỉ số EQ thông minh cảm xúc” trong giới doanh nghiệp chính là năng lực quan hệ xã hội của người đó. Gần đây kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đầu tư cho quân đi học các khóa về marketing, kỹ năng kinh doanh. Phong cách doanh nhân  dần chuyên nghiệp hơn tuy nhiên so với các nước châu Á thì vẫn chưa thực sự ngang tầm.

Theo Trần Minh, “Thương hiệu, gia sản của một doanh nghiệp để lại cho con cháu chưa chắc đã vĩnh cửu bằng kinh nghiệm, kỹ năng thương trường”. Ngoài ra những bài học của họ giúp nhiều cho lớp doanh nhân trẻ đang định thử sức trong lĩnh vực của tiền bối. Có một bạn đọc tâm sự, anh đã tránh được một số rủi ro khi mở công ty nội thất nhờ đọc cuốn hồi ký của chủ doanh nghiệp gỗ nội thất.

Ðắt hàng nghề viết hồi ký doanh nhân ảnh 2

Trần Minh trong giờ giảng kỹ năng cho các doanh nhân.

Le lói công nghệ viết hồi ký

Hai ba thập kỷ trước người chấp bút hồi ký phải theo nhân vật cả năm trời để cho ra một tác phẩm. Người viết kiểu xưa có tâm lý ẩn danh, tác nghiệp đơn lẻ bởi nhiều lý do như giữ đầu mối, tránh bị phá giá. Ngày nay giới trẻ thực hiện theo qui trình công nghệ hơn. Phía sản xuất thầu trọn gói từ viết, xây dựng hình ảnh đến làm truyền thông ra mắt sách.

Nửa năm lập nhóm, ra mắt 6 cuốn hồi ký, hiện nhóm của  Trần Minh nhận được rất nhiều đơn hàng, liên tục phải khất hẹn khách. Thứ nhất họ có ít nhân lực, thứ hai “có khá nhiều doanh nhân chưa đủ thú vị, kinh nghiệm khởi nghiệp không thuyết phục bị biên tập viên từ chối viết”. Ðiều phối nhóm chỉ nhận mỗi ngành nghề 3 hồi ký bởi nếu trùng ngành cũng dễ bị trùng vấn đề, mất độ lôi cuốn. Khá nhiều doanh nhân chọn cách truyền bí quyết, kỹ năng qua sách. Nội dung sách không đề cập đến hình ảnh cá  nhân.

Trưởng nhóm  tiết lộ, mỗi gói hợp đồng bao gồm viết thuê , làm sự kiện, in ấn, phát hành có giá 250-300 triệu đồng/cuốn (200-250 trang) thực hiện trong vòng 3 tháng. Khi ký hợp đồng, bên thuê thanh toán trước một nửa tiền, sách ra mắt hai bên tất toán. Một số ông chủ thành đạt sẵn sàng truyền kinh nghiệm nhưng lại không muốn tự lăng-xê nên yêu cầu đổi tên của anh ta cũng như tên công ty. Trong hợp đồng đặt viết hồi ký, doanh nghiệp đó đồng ý giữ 30% thông tin chính xác , 70% còn lại người viết có thể phóng tác.

Người viết nhận được 70-80 triệu đồng nhuận bút, mất khoảng 1 tháng lao động. Trường hợp nhận hợp đồng mà sản phẩm không đạt yêu cầu hoặc người viết không tìm ra tinh thần của nhân vật, bên sản xuất phải hồi lại tiền cho khách. Người biên tập cần được trang bị kỹ năng gạn lọc một số chi tiết không có lợi cho doanh  nghiệp. Họ có thể sẽ bị thuế hỏi thăm nếu vô tình khoe chuyện lách thuế, hưởng lợi quá lâu chế độ trợ giá… Nhân vật hay, cuộc sống nhiều thăng trầm dễ tạo cảm hứng cho người viết. Có trường hợp sách ra rồi, người thể hiện ám ảnh số phận doanh nhân tới mức mãi họ mới bắt tay vào ấn phẩm của nhân vật kế tiếp. Theo thỏa thuận, doanh nhân sẽ lấy tên thật hoặc tên thay thế làm tác giả cuốn sách,  tên người chấp bút không xuất hiện. Mặc dù ẩn danh nhưng đây là một nghề hấp dẫn, thu nhập cao và dễ nghiện, trưởng nhóm Trần Minh khẳng định.

“Hồi ký hay là cách xây dựng hình tượng hiệu quả nhất”. Chàng trai 29 tuổi mong muốn khơi dậy phong trào doanh nhân viết sách truyền cảm hứng cho lớp trẻ. Hiện tại họ tập trung vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau này hướng tới  các CEO như  Nguyễn Mạnh Hùng (Viettel), Phạm Nhật Vượng (Vingroup)…

MỚI - NÓNG