Asean đang bàn về biển Đông

Các quan chức cấp cao Asean họp ngày 29/7 để trù bị cho Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao Asean lần thứ 52 và các hội nghị liên quan
Các quan chức cấp cao Asean họp ngày 29/7 để trù bị cho Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao Asean lần thứ 52 và các hội nghị liên quan
TPO - Hôm nay 30/7, các nhà ngoại giao hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương gặp nhau tại thủ đô của Thái Lan để thảo luận nhiều vấn đề đáng quan tâm của khu vực, trong đó có chuyện biển Đông và tình hình bán đảo Triều Tiên. 

Các hội nghị ở Bangkok của Asean năm nay do Thái Lan chủ trì. Sẽ có 27 cuộc họp diễn ra từ hôm nay đến thứ Bảy tuần này, với 32 quốc gia tham dự. 

Hội nghị Ngoại trưởng Asean hội tụ các quan chức ngoại giao của khối và hội nghị với các nước đối tác lớn như Diễn đàn khu vực và Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á cũng thu hút nhiều chú ý. 

Những nhân vật được quan tâm nhiều lần này ở Bangkok bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. 
Các đối tác đối thoại khác của Asean có Úc, Ấn Độ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Chú ý cũng được dồn vào các hoạt động bên lề mà Asean đóng vai trò hỗ trợ. 

Một đại diện của Triều Tiên sẽ đến Bangkok lần này, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết. Nhưng chưa rõ Bình Nhưỡng có cử Bộ trưởng Ngoại giao đến không. Washington đã hạ thấp tính nghiêm trọng của vụ bắn tên lửa tầm trung của Bình Nhưỡng vài ngày trước và bày tỏ mong muốn nối lại đối thoại về phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nên khả năng diễn ra cuộc gặp bên lề Mỹ - Triều là có thể. 

Một số bài báo nói rằng Mỹ còn muốn gặp bên lề với Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về mâu thuẫn thương mại gay gắt giữa 2 nước đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á này, trong bối cảnh Mỹ đang cần một mặt trận thống nhất trong ứng xử với Triều Tiên. 

Mối quan tâm cấp bách nhất của Asean liên quan đến những đòi hỏi chủ quyền quá mức của Trung Quốc trên biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vẫn đang ở trong đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Cuộc đấu quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ thể hiện trong các cuộc gặp năm nay của Asean, khi cuộc chiến thương mại chưa thấy hồi kết. 

Tại các hội nghị lần này, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực để mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình thông qua sáng kiến Vành đai Con đường, một chương trình phát triển hạ tầng toàn cầu tham vọng đang gây cảm giác bất an cho nhiều nước. 

Còn Mỹ đối phó bằng một chiến lược của họ thông qua tầm nhìn Ấn Độ  - Thái Bình Dương mở và tự do, điều mà Bắc Kinh coi là nhằm bao vây họ. 

Các lãnh đạo Asean tại hội nghị cấp cao diễn ra vào tháng 6 vừa qua đã thông qua tuyên bố “Tầm nhìn của Asean về Ấn Độ - Thái Bình Dương” dài 5 trang nhằm khẳng định lập trường trung lập. 

“Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh giúp Asean có thêm ảnh hưởng và dư địa để hành động, nhưng đó là ảnh hưởng và dư địa mà Asean không muốn có hoặc không sử dụng”, ông Benjamin Zawacki, tác giả cuốn: “Thái Lan: Nơi chuyển dịch giữa Mỹ và một Trung Quốc đang lên”, nhận định 

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.