Apple mất bằng sáng chế zoom hai ngón
> Apple có nguy cơ mất ba triệu USD vì tai nghe của iPhone
> Apple - Samsung tiếp tục đấu đá trong vụ một tỷ USD
> Google tuyên bố thắng Apple trong mảng di động
Văn phòng quản lý bằng sáng chế và thương hiệu (Mỹ) vừa công bố bằng sáng chế có tên gọi "pinch to zoom" là vô hiệu.
Pinch to zoom là một trong những bằng sáng chế được Apple dùng nhiều nhất để kiện các hãng khác. Ảnh: Tested. |
Tổ chức này cho biết hiệu lực của các bằng sáng chế do Apple đang nắm giữ không phụ thuộc vào các giấy tờ mà hãng này từng công bố trước đây. Bằng sáng chế nói chung chỉ có hiệu lực khi nó có thể được cấp cho hãng khác sử dụng.
Christal Sheppard, Phó giáo sư trường University of Nebraska College of Law (Mỹ), khẳng định nhà sản xuất iPhone, iPad vẫn có thể kháng án và giành lại phát minh của mình. Tuy nhiên, nếu thất bại, điều này sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ cho Apple.
Một trong những rủi ro giới công nghệ nghĩ đến nhiều nhất là vụ tranh chấp về bằng sáng chế dai dẳng giữa Apple và Samsung. Đại diện Samsung cho biết những gì cơ quan quản lý của Mỹ vừa công bố tạo điều kiện thuận lợi cho hãng này kháng án tại Mỹ. Vào cuối tháng 8 năm nay, nhà sản xuất Hàn Quốc đã thua kiện trước Apple và bị toà án yêu cầu phải bồi thường cho đối thủ 1 tỷ USD.
Trước đó, tại toà án San Jose, California (Mỹ), khi bị Apple cáo buộc vi phạm bản quyền thiết kế và tính năng của iPhone, iPad (bao gồm cả pinch to zoom), Samsung đã đưa ra hàng loạt bằng chứng cho thấy "Apple cũng sao chép để tạo ra iPad" và yêu cầu Văn phòng quản lý bằng sáng chế và thương hiệu kiểm chứng lại.
Đầu tháng 12 năm nay, bằng sáng chế về cảm ứng đa điểm (tên gọi khác là "bằng sáng chế Steve Jobs") của Apple đã bị Văn phòng quản lý bằng sáng chế và thương hiệu tuyên bố là vô hiệu. Phát minh này liên quan đến giao diện, phương thức hoạt động của đồ hoạ trên các thiết bị cảm ứng nhằm thực hiện lệnh do tay người dùng đưa ra.
Nhiều người suy đoán rằng nếu mất một trong hai bằng sáng chế quan trọng này, Apple sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi chúng đều là "con át chủ bài" mà hãng sử dụng trong nhiều vụ kiện với các hãng khác chứ không chỉ Samsung.
Theo Thanh Tùng
Số hóa