Đó là “quyết tâm thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, hướng tới xây dựng một cộng đồng APEC bao trùm, mạnh khỏe, bảo đảm khả năng tiếp cận cho người dân, phát triển bền vững và tự cường vào năm 2030”.
Trong Tuyên bố của mình, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cam kết bảo đảm việc làm đầy đủ, năng suất và chất lượng; bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và tài chính, cũng như tăng cường kiến thức và kỹ năng cơ bản và khả năng tiếp cận về tài chính cho tất cả mọi người, cho phép họ có thể nắm bắt những cơ hội toàn cầu. “Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng sống còn của giáo dục chất lượng và công bằng để tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi thích ứng được với những thách thức từ những thay đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay”, Tuyên bố nêu.
Với trên 200 sự kiện, hội nghị được tổ chức trong suốt năm APEC Việt Nam 2017, và đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vừa qua, nước chủ nhà Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của APEC qua 2 lần đăng cai tổ chức (2006 và 2017). APEC 2017 cũng đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về trình độ tổ chức, sự tiếp đón chuyên nghiệp và nồng hậu của nước chủ nhà. Chưa bao giờ hình ảnh của Đà Nẵng lại được truyền thông quốc tế nhắc đến với tần suất dày đặc như tuần qua. Đà Nẵng, Việt Nam đã trở thành điểm đến của 21 nhà Lãnh đạo kinh tế APEC, nơi chiếm tới 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu. Một cơ hội lớn cho quảng bá văn hóa, du lịch và hợp tác đầu tư quốc tế.
Có thể ấn tượng đầu tiên về APEC 2017 đối với người bán bánh mỳ vỉa hè ở Đà Nẵng hay người bán cà phê ở Sài Gòn chính việc họ bất ngờ được phục vụ hai vị thủ tướng. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đi bộ mua bánh mỳ tại một quán ven đường tại Đà Nẵng và ngồi ăn ngay trên vỉa hè. Còn Thủ tướng Canada Justin Trudeau chạy tập thể dục và uống cà phê sữa trên vỉa hè trên đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn.
Thế nhưng, APEC với người dân không chỉ có vậy. Các lãnh đạo kinh tế APEC tới đây để cùng nhau cam kết “vun đắp tương lai chung”, với mục tiêu phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân đều có thể nắm bắt được cơ hội, đều không bị bỏ lại phía sau trước toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, cho dù đó là những người dân thường lam lũ bán bánh mỳ hay cà phê trên vỉa hè. Đó chính là cam kết của các lãnh đạo kinh tế APEC, lấy lợi ích người dân làm trung tâm của sự phát triển.