APEC 2017 nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an
TPO - Việc quy tụ lãnh đạo các nền kinh tế hùng mạnh trên thế giới như Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Shinzo Abe... APEC 2017 đã duy trì vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 

PV: Ông có thể đánh giá thành công khái quát kỳ APEC 2017 vừa qua?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thành công của APEC tại Việt Nam được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Cá nhân tôi đánh giá thành công ở 5 vấn đề.

Thứ nhất và quan trọng nhất, Việt Nam đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động APEC. Trong năm 2017, có hơn 200 cuộc họp diễn ra trong vòng 9 tháng trên khắp 10 thành phố, đặc biệt trong Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng, một thành phố nhỏ bé mà có tới hàng ngàn quan chức và báo chí trong và ngoài nước tới dự.

Việc tổ chức thành công APEC cho thấy chúng ta làm rất tốt công tác an ninh, bao gồm nhiều khía cạnh: an toàn thực phẩm, an toàn tính mạng và môi trường.

Thứ hai, Việt Nam đã làm rất tốt công tác tổ chức với vai trò nước chủ nhà của APEC 2017. Việc 21 lãnh đạo các nền kinh tế  APEC đi đến thống nhất về chủ đề và nội dung chúng ta đưa ra, trong đó Tuyên bố chung được thông qua với bầu không khí cởi mở, thẳng thắn, đoàn kết... đã nói lên rất nhiều điều.

Thứ ba, Việt Nam đã làm hết sức để duy trì CPTPP (tên gọi mới của TPP) mà không có sự tham gia của Mỹ.

Thứ tư, với việc quy tụ lãnh đạo các nền kinh tế hùng mạnh trên thế giới như Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Shinzo Abe... APEC 2017 cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Các nguyên thủ châu Âu tuy không tham gia nhưng chắc chắn cũng đánh giá rất cao vai trò quan trọng của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế cam kết sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam, tạo thuận lợi cho Việt Nam phát triển kinh tế.

Thứ năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump sang Việt Nam sau 10 tháng cầm quyền với thái độ cởi mở, thẳng thắn; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản 19 và cũng chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đi thăm... chứng tỏ các cường quốc đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam.

Cần một cuộc đổi mới tư duy lần 2

PV: Khi cơ hội đã tới, chúng ta cần làm gì để biến nó thành hiện thực, thưa thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tất nhiên, APEC chỉ tạo ra điều kiện, còn chúng ta phải chủ động tận dụng những thời cơ APEC mang lại. Để làm được điều này, tôi nghĩ rằng, Việt Nam phải thúc đẩy những đột phá như: xây dựng bộ máy liêm chính, cần kiệm, tất cả vì người dân, vì phát triển kinh tế; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm ăn; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu quốc tế; xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.

Điều cần thiết hơn cả là phải đổi mới tư duy về đối ngoại. Nếu như năm 1986, chúng ta đã đổi mới tư duy kinh tế, thì sau 30 năm, ta  nên đổi mới tư duy lần thứ hai. Cụ thể là điều chỉnh chính sách đối ngoại phù hợp với sự thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới đang biến động hết sức khó lường.

Trung Quốc đã đưa ra luận điểm "Tiến cùng thời đại". Chính quan điểm này dẫn dắt Trung Quốc tạo ra thần kỳ. Người Đức đưa ra luận điểm "Đi ngang qua thời đại". Ngay cả việc ông Donald Trump lên cầm quyền với tham vọng làm thay đổi thế giới cả về kinh tế, chính trị. Nếu chúng ta không nhanh chóng cập nhật những diễn biến mới, chúng ta không thể kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG