APEC 2006 nhìn từ Đức

APEC 2006 nhìn từ Đức
TPO - Mặc dầu không phải thành viên của APEC nhưng sự kiện Diễn đàn Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam, đang là đề tài mà giới truyền thông Đức quan tâm.
APEC 2006 nhìn từ Đức ảnh 1
Báo điện tử "Làn sóng nước Đức" viết về sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam.

Hai sự kiện được đặc biệt chú ý là Tổng thống Mỹ G.Bush lần đầu tiên đến Việt Nam và hình ảnh mới của nước chủ nhà APEC 2006 sau 31 năm cuộc chiến Việt Nam chấm dứt.

Trả lời kênh truyền hình ARD từ Hà Nội, phóng viên Robert Hetkämper cho biết: Đầu tiên là một khung cảnh tưng bừng như hội của người dân ở đây. Ông dẫn một câu rất thú vị nghe được từ dân địa phương: Người Việt Nam là những người dễ tha thứ nhất trên thế giới.

Kèm vào đó, phóng viên này miêu tả cảnh tổng thống Hoa Kỳ G.Bush được Chính phủ và nhân dân Việt Nam đón tiếp thân tình. 

Hằng năm, mối quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ lên đến 8 tỷ đô la. Hoa Kỳ là thị trường chính của các mặt hàng cà phê, giày dép, quần áo... của Việt Nam. Một viễn cảnh hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước là điều đã nhiều người tiên đoán.

Cuối cùng, nhà báo Đức nhận định, có cảm giác bây giờ chẳng ai tại xứ xở này còn coi Hoa Kỳ là kẻ thù cả. Người Mỹ cũng có nhiều bạn bè ở Việt Nam.   

Báo điện tử Làn sóng nước Đức (Deutsche Quelle-DW) nhân sự kiện Việt Nam vào WTO và tổ chức Hội nghị APEC 2006, cũng đã mở một trang đặc biệt về Việt Nam, trong đó gồm nhiều bài bình luận về kinh tế, văn hoá và lịch sử.

Trong một bài viết về kinh tế, tác giả Oliver Samson ví bước ngoặt “đổi mới” là một cuộc cách mạng khác - một cuộc cách mạnh về kinh tế - của dân tộc Việt Nam. 

Cũng theo tác giả này, sự ổn định chính trị của Việt Nam từ nhiều năm qua là kết quả của một nền kinh tế phát triển nhanh đi đôi với những biện pháp xoá đói giảm nghèo.

Tác giả đưa ra một vài thống kê cho thấy, trong vòng mười hai năm, từ 1993 đến 2005, số người nghèo ở Việt Nam đã giảm 37%.

Một cuộc phỏng vấn khác khá lý thú cũng trên DW với nhà tư vấn Oliver Massman. Ông có ý phê bình các nhà đầu tư Đức quá cẩn trọng vì thề làm vuột mất nhiều cơ hội quý.

Những nhà đầu từ Đức đang ngủ quên - Oliver nhấn mạnh. Việt Nam và Đức đã tồn tại một mối quan hệ gần gũi từ thời Cộng hoà dân chủ Đức. Tuy vậy, trên bảng xếp hạnh đầu tư vào Việt Nam, Đức chỉ khiêm tốn với thứ hạng thứ 18. Thủ tướng Merkel nên đến thăm Việt Nam, điều đó có thể giúp cải thiện tình hình, Oliver đề nghị.

Ngoài những bài viết về chuyến đi lịch sử của tổng thống Mỹ G.Bush và một hình ảnh mới của Việt Nam, vấn đề tự do hoá thương mại cũng thu hút được nhiều sự chú ý.

T. Minh
Từ CHLB Đức

MỚI - NÓNG