Đêm nay TPHCM mưa lớn, nguy cơ ngập lụt cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Dù áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành bão, song từ chiều tối hôm nay sẽ tác động trực tiếp đến Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên. Ngoài ra, từ đêm nay đến ngày 27/10, TPHCM có mưa đặc biệt lớn kèm triều cường nên có nguy cơ ngập lụt lớn", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Sáng 26/10, tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia cho biết, vào hồi 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách Khánh Hòa khoảng 300km, cách Ninh Thuận khoảng 280km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Theo ông Khiêm, hiện ATNĐ duy trì cường độ cấp 7, giật cấp 9, khi vào gần bờ giảm xuống cấp 6, giật cấp 8 và không có khả năng mạnh lên thành bão. Sau khi đi vào đất liền sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đêm nay TPHCM mưa lớn, nguy cơ ngập lụt cao ảnh 1

Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, ATNĐ không mạnh lên thành bão, nhưng sẽ gây mưa lớn diện rộng

Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ hôm nay đến hết ngày 27/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Trong đó, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ 100-200mm, có nơi trên 200mm.

Các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên 150-250mm, có nơi trên 300mm. Từ chiều nay, trên khu vực ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, ATNĐ gây mưa lớn trên diện rộng nên nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các tỉnh Nam Tây Nguyên, thượng lưu sông Đồng Nai, từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.

Đêm nay TPHCM mưa lớn, nguy cơ ngập lụt cao ảnh 2

Nhiều ngôi nhà ở Quảng Nam vẫn đang ngập trong nước

Theo ông Hoài, đáng chú ý, một số khu vực đang còn ngập ở Quảng Nam (Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành) và Quảng Ngãi (Bình Sơn) từ ngày hôm nay sẽ mưa to trở lại nên nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở là rất cao. Mưa lớn cùng gió giật mạnh cũng sẽ gây nguy cơ mất an toàn cao đối với các hồ chứa nhỏ đã đầy nước, đang thi công, các khu công nghiệp khai thác khoáng sản lớn ở Tây Nguyên và các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên, Khánh Hòa.

Ngoài ra, vào đêm nay, sang sáng 27/10, mưa lớn có khả năng gây ngập úng cục bộ trên các khu vực đô thị như: Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt,… Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Đắk Lắk và Lâm Đồng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, dù ATNĐ không mạnh lên thành bão, song từ chiều tối hôm nay sẽ tác động trực tiếp đến Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên. Ngoài ra, từ đêm nay đến ngày 27/10, TPHCM có mưa đặc biệt lớn kèm triều cường nên có nguy cơ ngập lụt lớn.

Sau nhiều ngày mưa liên tiếp, ở khu vực Bắc Trung Bộ, có khoảng 85% các hồ chứa đầy nước, ở khu vực Tây Nguyên có khoảng 85-90% hồ. Thứ trưởng Hiệp đề nghị vận hành đúng quy trình, quy định, điều tiết nước hợp lý. Còn đối với các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, hiện mới chỉ có 30-40% các hồ đầy nước, các địa phương cần chủ động tích nước, vì khu vực này dự báo ngay sau Tết sẽ có nguy cơ khô hạn.

Theo ông Hiệp, hiện ở Quảng Ngãi còn 200 hộ dân vẫn trú mưa lũ chưa về được, sắp tới sẽ tiếp tục có mưa nên tâm lý bà con đã mệt mỏi. Do vậy, các địa phương cần động viên, đảm bảo an toàn cho người dân, tránh tình trạng chủ quan, buông xuôi gây ra những sự cố không đáng có.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai… cần cảnh giác đề phòng với tình trạng sạt lở đất ở khu vực vùng núi. Trong 3 ngày tới, địa phương cần có người ứng trực, báo động nhất là ban đêm khi bà con đang ngủ, mục tiêu bảo đảm an toàn con người là trên hết.

Bình Thuận cấm tất cả tàu thuyền ra biển vì áp thấp nhiệt đới

Để chủ động ứng phó kịp thời diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, giảm thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, Bình Thuận cấm tất cả tàu thuyền, phương tiện vận tải rời bến để ra biển hoạt động sáng ngày 26/10 cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 26/10, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có công điện khẩn đến các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành liên quan về đối phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo đó, thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, lúc 16 giờ ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,1 độ vĩ bắc; 112,5 độ kinh đông, cách Khánh Hòa khoảng 380km, cách Ninh Thuận khoảng 370km, sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc (khoảng 10km/giờ), có khả năng mạnh lên thành bão, gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Bình Thuận chịu ảnh hưởng trực tiếp từ áp thấp nhiệt đới.

Để chủ động ứng phó kịp thời diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, giảm thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, nhất là toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên vùng biển, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cấm tất cả các tàu thuyền, phương tiện vận tải rời bến để ra biển hoạt động sáng ngày 26/10 cho đến khi có thông báo mới.

Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận phối hợp với các sở ngành, địa phương ven biển khẩn trương kêu gọi các tàu đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú, tránh bão an toàn, không đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới, bão. Hướng dẫn neo đậu, sắp xếp tàu thuyền đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các tàu nhỏ công suất dưới 30CV nên kéo lên bờ để bảo đảm an toàn khi áp thấp nhiệt đới dự báo mạnh lên thành bão đổ bộ trực tiếp.

Hiện nay, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết tin về áp thấp nhiệt đới trên hệ thống trực canh của đơn vị. Đồng thời, mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện nếu có sự cố xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng có công điện nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 20 giờ ngày 25/10. Đồng thời, các cơn vị liên quan thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú. UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các huyện, thành phố ven biển khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng nhà ở, số hộ dân sinh sống ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở để vận động và chủ động có phương án hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, cũng như sơ tán dân đến nơi an toàn trước khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ.

Triển khai phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất, chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các điểm sơ tán dân. Khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản, phương tiện thủy nội địa... để tuyên truyền, vận động nhân dân biết chủ động di chuyển về nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát các khu vực trũng thấp, ven sông, đồi núi thường xuyên bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở, đặc biệt là các nhà dân sống gần các vùng đồi, núi để chủ động có phương án ứng phó và kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, tổng số tàu thuyền của địa phương có hơn 2.500 chiếc với gần 15.000 lao động. Hiện tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 442 chiếc với hơn 4.000 lao động.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết thêm, đến 13 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 160km, cách bờ biển Ninh Thuận khoảng 140km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 9 đến 13 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, đi vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

MỚI - NÓNG