Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 1 giờ sáng nay (12/10), tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1 giờ sáng mai (13/10), tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 15,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ 112,5 đến 119,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 14/10, tâm bão trên đất liền phía Nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào vùng biển phía Nam của Vịnh Bắc Bộ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cũng thời điểm bão hoạt động trên Biển Đông, nước ta đón nhận một đợt gió mùa đông bắc mới. Sự tác động của gió mùa đông bắc khiến quỹ đạo và đường đi của cơn bão này sẽ diễn biến phức tạp và khó lường.
Trong khi đó tại miền Trung, dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh Trung Trung Bộ trong hôm nay và ngày mai. Lượng mưa tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khoảng từ 200-400mm, có nơi trên 500mm. Các tỉnh/thành Quảng Bình, Đà Nẵng khoảng từ 100-200mm. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng từ 80-150mm.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế đang dao động ở mức cao và lên chậm. Các sông ở Quảng Nam đang lên; các sông ở Quảng Ngãi, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống.
Dự báo trong sáng đến trưa nay, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế dao động ở mức cao. Sông Kiến Giang, Thạch Hãn lên lại, các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum tiếp tục xuống dần.
Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng kéo dài trong những ngày tới, đặc biệt tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình); Đắkrông, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị); Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế). Các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, TP Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam. Các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi của tỉnh Quảng Ngãi.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.