Năm nay, cuộc đua vào lớp 10 tại TPHCM và Hà Nội bắt đầu xuất phát. Thế nhưng, từ 4 tháng trước, lịch trình ôn luyện bận rộn, lịch học thêm không còn chỗ trống trong tuần của cô cháu họ khiến tôi ngạc nhiên. Khi tôi thắc mắc thì được mẹ cháu giải thích: Không ôn thì khó có cửa vào trường công lập, dự báo sẽ có khoảng 20 nghìn học sinh trượt trường công năm nay tại TPHCM. Cụ thể, đối với lớp 10 thường, có hơn 96.000 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh toàn thành phố năm nay là gần 77.300 em. Có những trường, tỷ lệ chọi là 1/3,5. Còn tại Hà Nội, tỷ lệ chọi có nơi là 1/30.
“Nếu học trường tư thì gia đình không đủ kinh phí, chứ chị cũng không muốn áp lực lên con”, chị Tú Anh ở quận 8 đã nói như vậy khi đứng chờ đón con đi học thêm trên đường Dương Bá Trạc.
Những gia đình có điều kiện, trước áp lực tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, phải “ dự phòng” nhiều phương án. Chị Thuý Vinh nói, chị có nộp hồ sơ tại trường tư thục từ đầu tháng 5/2023, phòng khi bé không đủ điểm vào trường công. Với phương án này, nhiều phụ huynh chấp nhận đóng tiền hồ sơ, giữ chỗ. Thậm chí có những trường yêu cầu phụ huynh đóng học phí.
Để có được một chỉ tiêu vào lớp 10 trường công lập đã lo lắng như thế, nhiều phụ huynh và học sinh còn áp lực hơn khi mục tiêu trước mắt là các trường THPT chuyên. Cuộc đua vào các trường chuyên được nhiều phụ huynh xây dựng lộ trình học tập rất bài bản với lịch học “ không còn chỗ trống”ngay từ những năm cấp 2.
Cháu tôi mấy tháng nay mặt mày bơ phờ vì thiếu ngủ, từ khi xác định thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM. Bố mẹ cháu gần như ngày nào cũng sắp xếp lịch để đưa con đi luyện. Chúng tôi vẫn đùa nhau, một người thi, 3 người bận, là thế.
Áp lực thi vào lớp 10 khiến nhiều học sinh rơi vào trầm cảm, lo lắng vì sợ rớt. Ngày nào cũng kín lịch học trên trường, học thêm, khi về nhà tiếp tục ôn bài đến 2 -3h sáng; 6h sáng lại chuẩn bị dậy đi học… khiến các em học sinh luôn thiếu ngủ, thiếu sức sống, mệt mỏi. Khi tình trạng này kéo dài, dẫn đến các em bị trầm cảm. Thế nhưng, hình như vấn đề thi cử càng ngày càng khốc liệt và khắc nghiệt. Vì thế, con cái lơ là sẽ bị thầy cô chỉ trích, ba mẹ la mắng. Trên mạng, phụ huynh thường đưa kết quả học tập của con cái ra để khoe khoang và tự hào. Điều này, vô hình chung đã biến kỳ thi vào lớp 10 trở thành cuộc đua khốc liệt hết năm này đến năm khác.
Áp lực thi vào lớp 10 là điều khó tránh khỏi, song đừng để điểm số, thành tích trở thành “nỗi ám ảnh kinh hoàng” của học sinh.
Làm cha mẹ ai cũng mong muốn con thành tài, được học trong môi trường tốt nhất nhưng cũng như chúng ta, không phải đứa trẻ nào cũng làm tốt việc không phải khả năng, sở trường của chúng.
Tôi không cổ suý cho sự lười nhác của học sinh, cũng không khuyến khích các em hãy cứ rong chơi. Tuy nhiên, tôi đồng ý quan điểm, một phụ huynh phải nắm rõ tâm tư, nguyện vọng và khả năng của con mình, để không vô tình tạo thêm áp lực trong học hành thi cử cho các em.