Áp lực tăng thu, giảm tải bệnh viện chỉ là “khẩu hiệu”

Ngày 18/1, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập, vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN”
Ngày 18/1, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập, vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN”
TPO - TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho rằng, do áp lực tăng thu, các bệnh viện tuyến trên không có động lực để giảm tải, thậm chí còn sống nhờ quá tải. Chính bởi vậy chủ trương “giảm tải bệnh viện” mới chỉ nằm trên khẩu hiệu, khó đi vào thực tiễn.

Giảm 25 nghìn người hưởng lương ngân sách, tiết kiệm nghìn tỷ

Ngày 18/1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập, vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN”. Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này đã có 23 bệnh viện thuộc Bộ tự bảo đảm được toàn bộ chi thường xuyên, giảm cấp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã giảm được hơn 25 nghìn người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, với số tiền hơn 2 nghìn tỷ đồng/năm.

Từ cơ chế tự chủ, hầu hết các đơn vị đã rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, xây dựng lại điều lệ tổ chức cho đơn vị mình. Trên cơ sở đó tổ chức lại, sáp nhập hoặc chia tách, giải thể các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả hoặc chưa phù hợp chức năng nhiệm vụ để thành lập các tổ chức mới.

Bộ Y tế cũng cho rằng, việc cho phép các đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động được tự quyết định số lượng người làm việc đã tạo điểu kiện cho các đơn vị quyết định và tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực để phục vụ các hoạt động với chất lượng ngày càng được nâng cao. Các đơn vị đã tổ chức sắp xếp lại nhân sự, một người có thể làm được nhiều việc, đảm bảo phân công đúng người đúng việc, đúng sở trường.

Tuy nhiên, một trong những bất cập hạn chế hiện nay là nếu các đơn vị tự quyết trong thành lập, giải thể có thể dẫn đến thực trạng, các đơn vị sẽ giải thể các khoa, bộ phận không có thu nhập, hoặc nguồn thu thấp để phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu. Trong khi đó, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành.

Bộ Y tế đề nghị cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế tự chủ của các đơn vị dự toán cấp dưới. Có cơ chế tự chủ cho các đơn vị dự toán độc lập thuộc các đơn vị sự nghiệp công, được giao thẩm quyền trong việc quyết định biên chế, đấu thầu, không phải thông qua đơn vị dự toán cấp trên.

Giảm tải mới chỉ là khẩu hiệu

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Đình Cường cho rằng, chỉ đến khi vụ chạy thận ở Bệnh viện Hòa Bình làm nhiều người chết, gây rúng động dư luận, người ta mới đặt ra vấn đề, trách nhiệm của giám đốc các bệnh viện cũng như nhà quản lý y tế đến đâu?

Theo ông Cường, bất cập hiện nay là các quy định chưa rõ ràng, cái gì được làm, cái gì không. “Giám đốc các bệnh viện thường chia sẻ rằng, chúng tôi rất thèm được liệt kê cụ thể, cái gì được làm, cái gì cấm. Chính vì vậy, việc cụ thể hóa hàng rào pháp lý là điều rất cần thiết lúc này”, ông Cường cho hay.

Theo TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, việc tăng danh thu đang là áp lực thường trực của các bệnh viện tự chủ. Với nguồn thu chủ yếu dựa vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh, do đó để tăng doanh thu, nhiều bệnh viện đã tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh lên mức trần, mặc dù chất lượng không tăng, hoặc tăng không tương xứng.

Hơn nữa, khi các cơ sở khám chữa bệnh tăng thu có thể dẫn đến tình trạng chèo kéo bệnh nhân, khám chữa bệnh vượt tuyến, từ đó tạo áp lực đến các bệnh viện tuyến trên. “Các bệnh viện tuyến trên cũng không có động lực để giảm tải bởi áp lực về tăng số thu của cơ sở khám, chữa bệnh. Một số lãnh đạo bệnh viện nói với tôi rằng, bệnh viện đang sống nhờ quá tải. Tình trạng này sẽ là chỉ dấu để nói rằng, giảm tải bệnh viện chỉ nằm trên khẩu hiểu mà khó có thể đi vào thực tiễn”, TS. Thăng cho hay.

Như vậy, vấn đề đặt ra đối với cấp có thẩm quyền là cần có cơ chế giám sát, kiểm tra phù hợp đối với việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính công tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, có biện pháp để tăng doanh thu hợp pháp của các bệnh viện, khắc phục tình trạng mất cân đối về tỷ lệ bệnh nhân tại các bệnh viện như hiện nay.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quốc hội: Những gì đã hứa phải thực hiện nghiêm!
Chủ tịch Quốc hội: Những gì đã hứa phải thực hiện nghiêm!
TPO - “Quốc hội rất sốt ruột, làm sao luật có rồi chúng ta phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện”, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý Chính phủ, các bộ phải xem xét, những gì đã hứa trước quốc dân đồng bào thì phải thực hiện thật nghiêm. Đến nay, Luật Đất đai còn 2 nghị định, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn 1 – 2 thông tư. Theo báo cáo cách đây ít ngày, mới có 12/63 địa phương có hướng dẫn thi hành...