Mong một ngày được nghỉ ngơi đúng nghĩa
Đó không chỉ là mong mỏi của giáo viên mà còn của cấp quản lý ngành giáo dục. Nhất là trong bối cảnh toàn ngành bước vào đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới. Áp lực này không chỉ đối với giáo viên vùng khó mà giáo viên vùng thuận lợi cũng không tránh khỏi.
Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra kèm theo đó là chuẩn về sĩ số lớp học, chuẩn về trình độ giáo viên. Nhưng với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì 1 giáo viên gành 50 – 60 học sinh thay vì 35 – 45 học sinh như quy định là điều quá đỗi bình thường. Với học sinh lớp 1, có lẽ những buổi đầu tiên, giáo viên chỉ làm được công việc đảm bảo trật tự lớp học là đã hết 1 tiết học.
Cùng với áp lực về sĩ số thì giáo viên các vùng thuận lợi còn gặp áp lực từ phía phụ huynh và xã hội. Một đứa trẻ đến lớp không chỉ có cha mẹ mà kéo theo đó là anh chị, ông bà, cô dì chú bác cùng quan tâm. Áp lực này đặt lên vai không chỉ giáo viên mà còn với cả mỗi đứa trẻ. Và chính áp lực từ phụ huynh mà dẫn đến khoảng cách ngày càng sâu và rộng giữa cô với trò.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, người thầy bị xã hội và cha mẹ học sinh đặt trên vai một nhiệm vụ nặng nề, đó là giáo dục học sinh, con em của họ thành những con người tài giỏi, trí đức. Sự kỳ vọng đó khiến trách nhiệm của người thầy nặng nề hơn bao giờ hết.
Không chỉ chịu áp lực về việc thay đổi phương pháp giảng dạy, nhà giáo hiện cũng đang phải chịu áp lực từ các quy định của Luật Giáo dục mới 2019, tiếp đến là các thông tư hướng dẫn.
Theo đó, nhiều quy định mới theo hướng mở và tôn trọng quyền trẻ em, quyền công dân đối với học sinh đã khiến nhiều giáo viên cảm thấy “bất lực”, rồi dần bất mãn với nghề của mình. Chẳng hạn như quy định giáo viên không được phê bình, quở trách, phạt, xử lí kỉ luật học sinh dù học sinh có phạm lỗi…
Thậm chí, nhiều học sinh cá biệt, quậy phá trong lớp nhưng giáo viên cũng không dám tự ý xử phạt hay nói nặng vì như thế sẽ sai quy định, vi phạm đạo đức nghề giáo; còn nếu áp dụng những cách giáo dục cũ, sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên, nhà trường… Làm sao cho chu toàn trong việc truyền đạt văn hoá và xây dựng nền tảng đạo đức cho học sinh là những băn khoăn mà thầy cô đang phải đối mặt và không phải thầy cô nào cũng có thể tìm ra được giải pháp.
Không chỉ công việc giảng dạy kiến thức, giáo viên phải chịu áp lực trước dư luận. Thậm chí, học sinh đánh nhau ngoài trường cũng đổ lỗi cho giáo viên, cho giáo dục trong khi các em chỉ có khoảng 4-6 tiếng tại nhà trường, còn lại là về gia đình, xã hội.
Đánh giá một cách công tâm sẽ cho thấy nghề giáo viên thời nay chứa đựng quá nhiều nguy hiểm. Không có bất cứ nghề nào như nghề giáo khi mà giáo viên mỗi ngày đến lớp lại mang theo một tâm trạng lo sợ.
Giáo viên phải chịu mọi áp lực từ cơ chế quản lý nhà nước, trong dạy và học, trong các mối quan hệ… Phụ huynh có thể vào trường và bạo lực đối với giáo viên như ngoài xã hội. Mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi cái nhìn méo mó về người thầy. “Trên đe dưới búa” có lẽ ở một lúc nào đó, một tình huống cụ thể với một số giáo viên là câu nói cửa miệng hoàn toàn đúng.
Chưa bao giờ ngành giáo dục bất an như hiện nay từ biên chế, tiêu cực, thiếu giáo viên. Nhiều giáo viên gắn bó với nghề bao nhiêu năm, đạt rất nhiều danh hiệu nhưng chỉ vì không có chỉ tiêu tuyển dụng, một ngày đẹp trời bị cắt hợp đồng trở lên trở thành thất nghiệp.
Nhưng tất cả những điều trên mới chỉ là áp lực bên ngoài tác động lên mỗi nhà giáo. Còn áp lực nội tại mới là quan trọng. Đó là giữ được tình yêu nghề nghiệp. Thứ hai là giữ được ý thức công việc của mỗi giáo viên. Những áp lực bên ngoài nếu tự thân mỗi giáo viên làm chủ được, có được tình yêu với trẻ thì cách hành xử của giáo viên sẽ khác. Nếu không từ những tác động ngoại cảnh đè lên, giáo viên sẽ không tìm ra được lối thoát, không tìm ra được cách giải quyết thì sẽ có những hành vi đi ngược lại với quan điểm giáo dục.