Áp lực chồng lên áp lực

Áp lực chồng lên áp lực
TP - Năm 2008, dệt may là ngành được kỳ vọng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước với khoảng 9 tỷ USD, vượt lên trên cả dầu thô. Tuy nhiên, ngành này đang chịu nhiều áp lực từ chính “trong nhà” gây ra.

“Ngành dệt may hiện trong tình trạng vừa làm…vừa chạy”- ông Nguyễn Hữu Bình- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ sự lo lắng về tình trạng khó khăn của ngành này.

Theo ông Bình, lý do đầu tiên khiến các doanh nghiệp (DN) phải “chạy” từ thành phố về các tỉnh là để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực.

 “Cái khó lớn nhất ngành dệt may đang và tiếp tục phải đối mặt là tình trạng thiếu nhân lực”- ông Bình nói, đồng thời cho biết ưu thế nhân công giá rẻ của ngành dệt may tại Việt Nam không còn, đặc biệt tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, ngành này ngày càng phải cạnh tranh với nhiều ngành khác về nhân lực.

“Trong năm 2008, nếu DN nào thu nhập bình quân dưới 2 triệu đồng/người/tháng thì sẽ không giữ được lao động”- ông Nguyễn Ân- Tổng giám đốc Cty cổ phần May Sài Gòn cảnh báo.

Để giải quyết khó khăn này, Vinatex đang chuyển hướng đầu tư mới hoặc di dời nhà máy sản xuất về địa bàn các tỉnh để thu hút nguồn nhân lực tại chỗ thay vì đặt tại các trung tâm lớn như trước đây.

Lý do quan trọng khác khiến DN phải “chạy” về các tỉnh là nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm trong thành phố. Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, việc “chạy” này gặp không ít trở ngại.

“Mới đây, chúng tôi có ý định chuyển một số nhà máy dệt về Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhưng tỉnh này từ chối thẳng vì lý do gây ô nhiễm”- ông Bình kể, đồng thời cho biết, không chỉ Đồng Nai, nhiều tỉnh khác cũng từ chối việc tiếp nhận các cơ sở sản xuất sợi gây ô nhiễm.

Nguyên nhân sâu xa, theo ông Bình, là do các tỉnh và thậm chí trên phạm vi toàn quốc hiện chưa có quy hoạch cụ thể cho các ngành công nghiệp ô nhiễm nên các nhà máy loại này đi đến đâu cũng dễ bị từ chối, ngay cả khi chủ đầu tư cam kết đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Trong khi thời hạn phải di dời để giải quyết ô nhiễm đã đến nhưng chưa tìm được địa điểm mới nên nhiều DN rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Mới đây, Cty dệt Đông Á (TPHCM) phải đóng cửa một phân xưởng dệt với 400 lao động vì đã hết thời hạn cho phép của chính quyền thành phố, trong khi DN này vẫn chưa thể di dời.          

Vừa chạy... vừa xin

Điều rất bức xúc và cũng là áp lực đối với các DN là sự nhiêu khê của thủ tục hải quan.

Ông Nguyễn Ân nêu một dẫn chứng liên quan đến thủ tục hải quan đối với các nguyên vật liệu xuất nhập khẩu tại chỗ: Về nguyên tắc, đây là hàng nhập khẩu nên phải làm thủ tục xuất nhập khẩu và công chức hải quan đến tận nơi giao nhận hàng để làm thủ tục. Tuy nhiên, phải đợi cả tuần hải quan mới đến kiểm tra và làm thủ tục một lần.

Trong khi đó, nguyên vật liệu khan hiếm nên nhập tới đâu là nhà máy “nuốt” hết đến đó để đảm bảo tiến độ giao hàng, nhất là đối với các đơn hàng lớn. Khi công chức hải quan đến kiểm tra, phát hiện tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô” là lập tức bị phạt vì vi phạm quy định.

Mỗi lần phạt cả chục triệu đồng. Nhưng nếu để làm đầy đủ thủ tục trước khi đưa nguyên vật liệu vào sản xuất theo đúng quy trình thì DN… “chết” vì đợi.

“Để “được việc” mình, DN phải “vừa chạy…vừa xin xỏ, năn nỉ hải quan rất vất vả, thậm chí phải chung chi”- Giám đốc một DN may xuất khẩu (đề nghị không nêu tên) tâm sự.

Theo quy định hiện tại, DN muốn thanh lý hợp đồng xuất nhập khẩu thì phải chứng minh với cơ quan hải quan là ngân hàng đã nhận đầy đủ số tiền thanh toán của đối tác theo hợp đồng.

“Khi hải quan đòi bằng chứng là rất mệt cho DN”- vị giám đốc này than phiền, đồng thời lý giải: Không phải lúc nào chuyện thanh toán cũng suôn sẻ. Khi tiền về trễ, việc thanh lý hợp đồng trễ theo và DN sẽ bị cưỡng chế.

Chỉ cần một lần vi phạm hành chính, dù là lý do khách quan hoặc sơ sẩy nhỏ, DN cũng sẽ khó tránh khỏi những rắc rối tiếp theo, và hệ lụy nhãn tiền là lập tức bị loại ra khỏi danh sách được ân hạn thuế của hải quan. Khi không còn được hưởng ân hạn thuế, áp lực lại gia tăng đối với DN, nhất là về vấn đề tài chính.

MỚI - NÓNG