Tăng cường hợp tác hỗ trợ lẫn nhau
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng khẳng định, đây là dịp để các đơn vị khâu sau thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đang quản lý, vận hành các nhà máy chế biến dầu khí chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, vận hành, bảo dưỡng hệ thống điều khiển và tự động hóa nhà máy. Từ đó phát huy tính đoàn kết, thế mạnh của bộ phận kỹ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực sản xuất trong toàn Tập đoàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tại Hội thảo, các đơn vị đã tập trung thảo luận về các vấn đề kỹ thuật chung cũng như cùng trao đổi để tìm ra các phương án kỹ thuật khả thi, nâng cao chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa tại từng nhà máy. Cùng với đó, các đơn vị cũng trình bày các giải pháp mới về công tác quản trị nhằm nâng cao hơn nữa độ tin cậy của thiết bị, tính sẵn sàng của hệ thống, công nghệ; tăng năng suất vận hành và tối ưu hóa chi phí.
Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng ban Bảo dưỡng sửa chữa BSR cho biết, NMLD Dung Quất đã trải qua 3 lần bảo dưỡng tổng thể nhà máy. Qua mỗi lần bảo dưỡng, số ngày dừng nhà máy được rút ngắn xuống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho nhà nước. Cụ thể, lần bảo dưỡng tổng thể 1, BSR thực hiện trong 60 ngày, lần thứ 2 rút ngắn còn 53 ngày và lần thứ 3 còn 51 ngày. Nhân lực, cán bộ kỹ sư của nhà máy cũng dần nắm bắt những vị trí chủ chốt, thay thế chuyên gia nước ngoài phải thuê trước đây. Đến nay, kỹ sư của BSR đảm nhiệm các dịch vụ bảo trì, sửa chữa thiết bị như máy nén, điện, máy bơm, thiết bị quay, bể chứa…
Với những kinh nghiệm của mình, BSR ký kết hợp tác bảo dưỡng với NMLD Nghi Sơn nhằm hỗ trợ những kỹ thuật cần thiết. Trước đó, trong quá trình chạy thử và vận hành NMLD Nghi Sơn, hàng chục lượt kỹ sư của BSR đã tham gia hỗ trợ.
Chia sẻ kinh nghiệm
Ngay sau chia sẻ của BSR, các đơn vị khác chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình vận hành bảo dưỡng nhà máy. Đại diện nhà máy Đạm Phú Mỹ chia sẻ về giải pháp cho hệ thống, thiết bị, phụ tùng đo lường, điều khiển của nhà máy bị hư hỏng trong khi nhà sản xuất thiết bị đã ngưng sản xuất và ngừng cung cấp.
Theo đó, tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ có nhiều hệ thống thiết bị như giám sát môi trường, quản lý thông tin, phân tích, thiết bị đo. Các thiết bị này sử dụng từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, số lượng ít nên gần như không mua vật tư dự phòng. Với thời gian hoạt động trên 15 năm, thiết bị tại Đạm Phú Mỹ có nguy cơ hư hỏng ngày càng gia tăng, trong khi thiết bị mang tính đặc thù, khó thay thế sang loại khác.
“Trước thực trạng trên, chúng tôi xác định phương án nâng cấp, thay thế vật tư. Với loại thông dụng sẽ thay thế bằng nhà sản xuất tương đương. Với các thiết bị đặc thù mà nhà sản xuất ngưng sản xuất, chúng tôi sẽ nâng cấp, thay thế bằng thiết bị phù hợp”, đại diện NM Đạm Phú Mỹ cho biết.
Thợ lặn chuẩn bị xuống nước bảo dưỡng phao SPM
Đại diện NM Đạm Phú Mỹ lấy dẫn chứng cụ thể với hệ thống quản lý thông tin Siemens đã ngừng sản xuất từ năm 2013 trong khi hệ thống này gặp trục trặc. Kỹ sư của nhà máy đã tự phát triển phần mềm hệ thống PMIS riêng, hoàn thành lập trình phần mềm và chạy thử để thay thế.
Ông Lê Thanh Hải, Ban Quản lý bảo dưỡng PVCFC: Nhiều đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Cà Mau đã tiết giảm chi phí đạt hiệu quả khi tiết giảm dịch vụ thuê ngoài tới 22%; không xảy ra bất kỳ vi phạm nào về an toàn trong suốt quá trình BDTT. Và tiến độ đạt 100% các hạng mục.
Theo ông Hải, qua các lần bảo dưỡng tổng thể, đơn vị đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt nhất. Đầu tiên, cần sớm xây dựng tiến độ dừng và chạy lại nhà máy, tiến độ bàn giao thiết bị cho BDTT, tránh việc điều chỉnh tiến độ thi công nhiều lần. Để tránh phát sinh yêu cầu mua sắm vật tư, dịch vụ, đơn vị thực hiện cần chốt sớm thời điểm cập nhật danh mục BDTT.
“Quá trình BDTT cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong công tác đánh giá rủi ro và thực hiện cô lập thiết bị, cũng như phương án kiểm tra, sát hạch chất lượng nhân sự thuê bên ngoài để đáp ứng yêu cầu” - ông cho biết.
Ngoài 2 đơn vị trên, tham dự hội thảo còn có đại biểu và tham luận của đại diện lãnh đạo Ban Khí và Chế biến Dầu khí Tập đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc lĩnh vực khí và chế biến dầu khí của Tập đoàn như Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGAS), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX).
Theo Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, các tham luận được trình bày tại hội thảo, cung cấp cho các đại biểu tham dự những kinh nghiệm, thông tin quý giá, đóng góp lớn về chuyên môn cho các nhà máy khâu sau. Thông qua hội thảo, các đơn vị khâu sau sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho đơn vị mình, vận hành đảm bảo an toàn hiệu quả các nhà máy, hệ thống đường ống, đóng góp vào thành công chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.