Áp dụng sai Chỉ thị, nhiều nơi ở Bình Dương cấm cả cơ sở kinh doanh thiết yếu

0:00 / 0:00
0:00
Áp dụng sai Chỉ thị, nhiều nơi ở Bình Dương cấm cả cơ sở kinh doanh thiết yếu
TPO - Trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Bình Dương đã áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kèm theo Chỉ thị 10 của tỉnh đối với các địa phương trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, một số địa phương đã áp dụng chưa đúng khi cấm luôn cơ sở kinh doanh thiết yếu gây khó khăn cho người dân, nhất là công nhân lao động.

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh với việc địa phương liên tục ghi nhận ca mắc COVID-19 mới buộc Bình Dương phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách xã hội đối với TX Tân Uyên, TP Thuận An và một số phường thuộc TP Thủ Dầu Một; TP Dĩ An.

Ngoài ra, Bình Dương ra Chỉ thị 10, trong đó tạm ngưng tất cả chợ tự phát, chợ tạm trên địa bàn, chỉ hoạt động chợ truyền thống nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch với thông diệp 5k của Bộ Y tế. Cấm hoạt động cơ sở kinh doanh không thiết yếu.

Áp dụng sai Chỉ thị, nhiều nơi ở Bình Dương cấm cả cơ sở kinh doanh thiết yếu ảnh 1

Người dân tập trung đến chợ truyền thống sau khi chợ tự phát bị cấm

Việc tạm ngưng hoạt động chợ tự phát, nhất là ở khu vực khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân là rất cần thiết khi Bình Dương ghi nhận các ca mắc COVID-19 những ngày qua hầu hết là công nhân lao động.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, nhiều địa phương như TX Tân Uyên, TP Thuận An và cả TP Thủ Dầu Một đang áp dụng chưa đúng tinh thần của hai Chỉ thị nói trên.

Cụ thể, các phường Tân Đông Hiệp, Dĩ An, An Bình (TP Dĩ An); Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một); Tân Phước Khánh (TX Tân uyên)… cơ quan chức năng địa phương ngoài việc cấm chợ tự phát theo quy định còn cấm luôn các cơ sở kinh doanh thiết yếu như: tạp hóa, quán ăn, giải khát…

Việc các điểm bán lẻ bị cấm hoạt động không chỉ gây khó khăn cho tiểu thương mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là công nhân lao động.

Áp dụng sai Chỉ thị, nhiều nơi ở Bình Dương cấm cả cơ sở kinh doanh thiết yếu ảnh 2

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, các điểm bán hàng thiết yếu chỉ cần tuân thủ quy định phòng, chống dịch, giữ khoảng cách an toàn vẫn hoạt động bình thường

“Chợ tự phát bị cấm, tôi phải di chuyển rất xa để mua thực phẩm. Tuy nhiên, khi đến chợ trung tâm, chợ truyền thống nhìn thấy cảnh người quá đông lại không dám ghé vào. Nếu tình trạng này không được khắc phục, không chỉ khó khăn cho chúng tôi khi đi mua hàng mà còn nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh”, chị Trần Thanh Nguyệt (ngụ TP Dĩ An) nói.

Trong khi đó, anh Trần Tiến Hưng (ngụ TP Thuận An) cho biết thêm: “Trước đây, khi chưa cấm chợ tự phát công nhân chia đều đều các điểm mua hàng. Nay tự tập lại một điểm rất khó. Mua được hàng đã khó, tiểu thương còn lợi dụng tình hình tăng giá. Ở đây có nhiều công ty, trong đó có công ty Thông Dụng với hơn 10 nghìn công nhân. Công nhân tăng ca cùng đi mua hàng 1 điểm thì không biết ra sao”.

Tại phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một), anh Nguyễn Khang kinh doanh quán cơm cho hay, những ngày qua quán vẫn hoạt động bán mang đi cho khách. Tuy nhiên, hôm qua (27/6) lực lượng chức năng đến vận động tạm ngưng, sợ bị phạt nên anh đã đóng cửa.

Áp dụng sai Chỉ thị, nhiều nơi ở Bình Dương cấm cả cơ sở kinh doanh thiết yếu ảnh 3

Việc chỉ hoạt động chợ truyền thống dẫn đến việc công nhân lao động sau tan ca phải di chuyển xa đến nơi cho phép để mua thực phẩm

Trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ chỉ đạo các địa phương áp dụng đúng các quy định, không gây khó khăn và tâm lý hoang mang trong nhân dân.

“Địa phương chỉ tạm dừng các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Đối với mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động, chỉ cần tuân thủ đúng quy định phòng, chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói, đồng thời cho hay đối với các mặt hàng được phép hoạt động chỉ cần giăng dây, giữ khoảng cách an toàn là được.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.