Áo xanh tỏa về vùng gian khó giúp dân

Tình nguyện viên hội đồng hương Thanh Hóa trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm đường tại xã Hạ Trung. Ảnh: Bảo Phương
Tình nguyện viên hội đồng hương Thanh Hóa trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm đường tại xã Hạ Trung. Ảnh: Bảo Phương
TP - Hai nhóm tình nguyện trẻ tỏa về vùng nghèo khó của Sơn La, Thanh Hóa làm đường nông thôn, trao những món quà, dạy trẻ em học. Những tình nguyện viên âm thầm gieo nụ cười vui đến với bản làng, thôn xóm trong mùa hè ý nghĩa.

Trao nhau những nụ cười

"Chạm" là dự án thiện nguyện của nhóm bạn trẻ hướng tới những bệnh nhi tại Hà Nội. Dự án thường xuyên tổ chức các chương trình âm nhạc và mỹ thuật hàng tuần tại các bệnh viện. 

Thời gian gần đây, "Chạm" mở rộng đối tượng, đến với học sinh dân tộc ở xã Suối Bau, huyện Phù Yên (Sơn La). Đây là nơi mảnh đất khô cằn, đường đi khó khăn, trẻ em dân tộc luôn thiếu cái ăn, cái mặc và cái chữ. Nơi đây cũng chưa được nhiều nhà hảo tâm để ý.

Từ trung tâm huyện Phù Yên, vượt hơn 7 km đường đèo quanh co, đặt chân đến mảnh đất Suối Bau, các thành viên thấm thía được cái nghèo đói, khó khăn vất vả mà người dân nơi đây gặp phải. Không phút nghỉ ngơi, các tình nguyện viên trực tiếp mang quà trao cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã.

“Đường sá nơi đây rất hiểm trở, quanh co. Buổi tối không có ánh đèn điện, người dân đi lại càng thêm vất vả. Được phát quà, người dân cảm động lắm" - Hồng Ngọc thành viên dự án "Chạm" chia sẻ. Mong muốn đem niềm vui, tiếng cười đến với những em nhỏ nơi nghèo khó, các tình nguyện viên đã tổ chức ngày hội trò chơi, ngày hội thủ công, triển lãm tranh cùng chương trình văn nghệ đặc sắc.

Thảo Ly, tình nguyện viên của dự án "Chạm" cho biết dù thời tiết nắng gắt nhưng nhiều bạn nhỏ đã vượt đường rừng núi gập ghềnh, háo hức tham gia. Bản làng rộn rã tiếng hò reo trong các trò chơi tiếp sức, kéo co, nhảy bao bố, chuyền bóng bằng thìa...

Học sinh nơi đây chủ yếu là người dân tộc Thái, Mông, Tày, hầu hết giao tiếp bằng tiếng Việt còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của cán bộ xã và sự nhiệt tình của các tình nguyện viên, ngày hội ngập tràn tiếng cười vui rộn rã.

Lớp học mỹ thuật thu hút sự quan tâm đặc biệt của những em nhỏ Suối Bau. Các em được chia làm 4 nhóm tập làm những con thú thủ công từ những cốc, đĩa nhựa, lõi giấy vệ sinh, giấy màu, bút sáp. Các em được dạy tô màu và sử dụng những con thú trang trí cho bức tranh chung của nhóm.

“Mọi thành viên đều cảm động khi thấy người dân nơi đây không ngại đường sá lầy lội, tối tăm và hiểm trở, một số người dân chỉ có chiếc đèn pin đeo trên đầu như những người thợ mỏ và cứ lầm lũi đi trong đêm tối hết mấy quả đồi để có mặt đón chào người thành phố lên chơi với bản làng. Họ không chỉ cổ vũ nhiệt tình cho các tiết mục của chúng mình, mà còn xung phong đóng góp các tiết mục sáo, các điệu múa, các bài hát đặc trưng của dân tộc Mông", Thảo Ly chia sẻ.

Làm đường cho dân

Những ngày hè nắng đổ lửa, sinh viên tình nguyện hội đồng hương Thanh Hóa trường Đại học Kinh tế quốc dân đã tạo dấu ấn đặc biệt cho người dân xã Hạ Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) bằng những việc làm, công trình ý nghĩa.

Hạ Trung là một xã nghèo, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ trao 10 suất học bổng cho học sinh nghèo nơi đây và tặng "Tủ sách hiếu học", đội tình nguyện còn làm đường giao thông nông thôn tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện.

"Những nụ cười trẻ thơ vô tư hồn nhiên trên gương mặt đen sạm vì cháy nắng của các em khiến chúng tôi quên đi mệt nhọc. Chúng tôi tin hình ảnh những áo xanh đẫm mồ hôi sẽ còn mãi trong kí ức của các em, nhen nhóm ngọn lửa nhiệt huyết trong những tâm hồn trong sáng ấy”.

Nguyễn Thị Hương

Nguyễn Thị Hương, thành viên đội tình nguyện cho biết làm đường là công việc chính của chiến dịch lần này. Hầu hết hệ thống giao thông trong xã đều là đường đất, trơn trượt và bị chia cắt bởi sông, suối làm cho việc di chuyển làm nông của bà con vất vả. 

Các tình nguyện viên đã phối hợp cùng thanh niên địa phương hoàn thành các đoạn đường tại thôn Cò Con, thôn Môn, thôn Man và đường vào Thung Lòm. Đoạn đường được hoàn thành trong niềm hứng khởi của bà con và các tình nguyện viên.

Mùa hè xanh ý nghĩa đối với những sinh viên khi tuyên truyền cho bà con về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường. Họ trồng 1.000 cây keo để phủ xanh đồi, tuyên truyền cho chị em phụ nữ tại xã những kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng chống bệnh và khám chữa bệnh miễn phí cho người dân.

MỚI - NÓNG