Áo xanh tình nguyện ‘tiếp sức’ vùng biên Bình Phước

TPO - Cuối tuần qua, Hành trình Hoa nhân ái với chủ đề “Ấm áp biên cương” đã diễn ra sôi nổi tại huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Hành trình do Tỉnh Đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Phước phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP. HCM cùng các đơn vị tài trợ tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động hướng về vùng khó khăn biên giới.

Lan tỏa sự tử tế

Vượt hàng trăm cây số, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, các chiến sĩ trong đoàn tình nguyện đã cùng nhau làm nhiều việc tử tế như: trao quần áo cũ còn dùng được cho người dân; sơn mới, dọn dẹp, vệ sinh các phòng học tại điểm lẻ của trường Tiểu học Hoàng Diệu và điểm lẻ trường Tiểu học Trương Định, xã Đăk Ơ (huyện Bù Gia Mập); dạy kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho thiếu nhi địa phương.

Bên cạnh đó, sân chơi với các gian hàng ẩm thực và trò chơi dân gian đầy hấp dẫn đã được tổ chức cho hơn 400 học sinh trường Tiểu học Trương Định; chương trình nghệ thuật với gần 15 tiết mục hát, tấu hài, xiếc, biểu diễn võ thuật, múa... do hơn 20 nghệ sĩ đến từ TP. HCM biểu diễn đã thu hút gần 1.000 người dân và các em thiếu nhi xã Đăk Ơ dù trời mưa nặng hạt ngay trước giờ diễn.

Các chiến sĩ tình nguyện sơn lại trường học vùng biên

Hàng năm, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP. HCM đều tổ chức nhiều hành trình hướng về vùng khó khăn của tỉnh Bình Phước, các tình nguyện viên tham gia hành trình là sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP. HCM hoặc những bạn trẻ đã tốt nghiệp và đi làm.

Tuy nhiên, lần này, trong đoàn tình nguyện lại có một chiến sĩ là học sinh. Đó chính là Huỳnh Tuấn Anh, học sinh lớp 7A3, trường THCS Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP. HCM).

Chiến sĩ tình nguyện nhỏ nhất trong đoàn này chia sẻ: “Sau khi được một chú trong đoàn là người quen với gia đình gọi đi cùng, em đã về xin phép và được ba mẹ đồng ý rồi lên đường. Về đây, nói chuyện với các bạn học sinh, em mới biết nhiều bạn nhà khó khăn lắm. Đi chuyến này, em học được nhiều điều mới lắm và thấy mình phải cố gắng học tập, vươn lên hơn nữa để sau này có dịp sẽ tiếp tục đi giúp mọi người.”

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy, chính những hành trình về với vùng sâu, vùng xa như thế này sẽ giúp các tình nguyện viên trải nghiệm, học hỏi và trưởng thành hơn, đồng thời hiểu được những nỗi cơ cực của người dân địa phương, thêm trân quý những giá trị cuộc sống, góp phần lan tỏa tinh thần thiện nguyện và truyền cảm hứng làm việc tử tế đến từng bạn trẻ và những người xung quanh.

Thăm tặng quà cho người dân vùng biên giới

Chăm lo chiến sĩ - “tiếp lửa” đồng bào

Trong khuôn khổ của Hành trình, các chiến sĩ tình nguyện đã tặng 100 phần quà với tổng trị giá 50 triệu đồng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 200 phần quà có tổng giá trị 80 triệu đồng cho các em thiếu nhi vượt khó học tốt; trao tặng Đồn biên phòng Đăk Ka 01 hệ thống máy lọc nước trị giá 10 triệu đồng, hạt giống rau nhằm cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ trị giá 02 triệu đồng và bổ sung tủ thuốc cho đơn vị trị giá 5 triệu đồng.

Lần đầu đến vùng biên cương, bạn Huỳnh Thị Hương, sinh viên năm 3 (ĐH Mở TP. HCM) chia sẻ: “Tham gia hành trình này, em muốn góp sức trẻ, lòng nhiệt huyết của mình để đem đến những niềm vui và hạnh phúc cho các chiến sĩ, người dân cùng các em nhỏ nơi đây với những phần quà nhỏ nhưng là sự động viên tinh thần lớn lao. Không khí vùng biên cương rất trong lành và em mong sớm có dịp quay trở lại nơi này.”

Các gia đình vùng biên giới khó khăn được tặng quà

San sẻ với những mảnh đời cơ cực

Dịp này, các bạn trẻ Bình Phước đã cùng đoàn tình nguyện đến tận nhà thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 03 hộ gia đình và 03 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập. Trong đó, có những hoàn cảnh rất đáng thương như trường hợp của em Thị Thuyền (học sinh lớp 5/3 trường Tiểu học Trương Định) và cụ bà Nguyễn Thị Chung.

Là con thứ ba trong gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số có 4 chị em, Thị Thuyền ý thức được từ rất sớm về gia cảnh nghèo khó của mình. Nhà Thị Thuyền nghèo xơ xác, lại không có đất sản xuất; cha của em bị thoát vị đĩa đệm, thu nhập gia đình chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi của mẹ Thuyền - một công nhân cạo mủ và chị gái 18 tuổi của Thuyền. Ngặt nỗi, Thuyền lại mắc bệnh tim bẩm sinh và có sức khỏe yếu.

Mặc cho những vất vả, cơ cực cứ vây quanh, Thuyền vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập với khát khao thoát nghèo. “Em biết gia đình rất khó khăn và ba mẹ rất khổ. Nên em ráng học để sau này lớn lên, đi làm và giúp cha mẹ để cha mẹ bớt cực.”, Thuyền khẽ nói.

Tặng quà cho người dân vùng biên khó khăn 
Tặng quà cho học sinh vùng biên giới

Đến thăm cụ bà Nguyễn Thị Chung 85 tuổi, các chiến sĩ tình nguyện xúc động khi biết chồng cụ đã qua đời vì bạo bệnh. Hiện tại, cụ Chung đang sống một mình, không có đất sản xuất. Người con gái đang bị bệnh tâm thần của cụ là một gánh nặng đè lên đôi vai già yếu của cụ bà bất hạnh này khi đối mặt với bao khổ cực, gắng nuôi và chăm sóc con.

Diễn ra vào 02 ngày cuối tuần, Hành trình lần này đã đem các nguồn lực xã hội có tổng giá trị hơn 300 triệu đồng đến nhân dân, các em thiếu nhi và cán bộ, chiến sỹ biên phòng tại địa phương, qua đó tạo động lực để mọi người cùng nhau vượt khó vươn lên trong giai đoạn hậu dịch COVID-19.

 Đời sống người dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn

Được biết, những ngày trước đó, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP. HCM đã đến tận các địa phương miền Trung để tiếp sức cho người dân đang “oằn mình” chịu lũ với những công trình, phần việc đầy ý nghĩa.