Quảng Nam:

Ao cá, đầm tôm mất trắng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi bão Noru đi qua, nhiều công trình, nhà dân bị tốc mái, đường sá ngổn ngang, nước ngập sâu... Nhiều ao cá, đầm tôm mất trắng, nông dân bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Sáng sớm 28/9, dù tâm bão đã qua nhưng gió vẫn còn rít từng hồi. Hai bố con ông Nguyễn Viết Mai (SN 1958) ở thôn Long Thành, xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đội mưa ra kiểm tra ao cá. Nhìn từ xa, mái tôn căn nhà tạm hơn 50m2 đã bị gió nhấc lên, đặt xuống dưới đầm tôm. Tay xách đầy xô thức ăn như mọi ngày nhưng chân ông Mai như khụyu xuống khi thấy cả ao cá tan hoang sau trận bão.

Đồ đạc sinh hoạt bên trong căn nhà tạm đã bị gió thổi tung tóe khắp nơi, ướt sũng. Phía ngoài, nhiều đoạn bờ ao dù đã được gia cố trước đó đã ngập băng, có chỗ bờ đã vỡ. Bạt bao bờ rách nham nhở. “Gần 1 vạn cá măng chuẩn bị xuất bán coi như mất. Trước bão, thương lái ép giá nên tôi không bán. Giờ thì mất trắng”, ông Mai nói trong ánh mắt thất thần, rồi nhanh chóng ra gom lại mớ dây điện bị kéo theo mái tôn xuống đầm.

Ao cá, đầm tôm mất trắng ảnh 1

Gia đình bà Đinh Thị Giàu bị tốc mái nhà sau bão

Đó là công sức gần một năm trời của hai vợ chồng già. Năm 2020, gia đình ông cũng trắng tay sau cơn lũ. Sau khi cải tạo lại bờ ao, thả nuôi được 1 năm thì nay lại bị mất tiếp. Cả khu vực nuôi trồng của ông Mai có diện tích khoảng 10.000m2, được chia làm 3 ô để nuôi cá. Theo tính toán, gia đình ông mất hơn 100 triệu đồng.

Thấy có người, bà Lê Thị Ánh Minh, 53 tuổi, cũng ra kiểm tra đầm tôm giống. Đầm tôm giống vừa được cải tạo, đầu tư lại giờ bờ vỡ, nước ngập tràn. “Vừa cá dìa, vừa tôm tôi đầu tư hơn 45 triệu từ đầu tháng 8”, bà Minh tính nhẩm. Vài phút sau, vợ chồng anh Rinh (con bà Minh) cũng ra. Anh Rinh xót ruột, chạy xuống lật từng tấm bạt, lắc đầu ngao ngán: “Mất hết rồi, bờ lở, bạt rách hết rồi”, anh Rinh nói. Anh cho biết, giờ phải chờ nước rút, làm lại hồ, thay bạt mới và mua giống thả từ đầu.

Đứt từng khúc ruột

Cũng trong sáng 28/9, sau khi dùng xong bữa sáng tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, bà Đinh Thị Giàu lên xe trở về nhà. Đặt chân xuống cổng, bà Giàu thất thần, bấu lấy tay người con trai đi cùng nói: “Ôi, may quá, hôm qua đi trú bão, chứ ở nhà thì không biết thế nào”. Phần mái trước căn nhà của bà Giàu lợp fbro xi măng đã bị bão thổi bay. Phía dưới đồ đạc lộn xộn, còn chiếc bàn thờ với di ảnh của chồng bà mất cách đây một tháng vì ung thư phổi.

“Gia đình có 4 đứa con, đứa lớn 26 tuổi đi làm ăn xa, đứa nhỏ còn đi học. Ông ấy mất, tôi cũng bị bệnh theo, cào vài búi rác đã thở không được. Giờ bão nó bổ vào, nhà lại bị lột mái, tôi như đứt thêm khúc ruột. Lúc có sức khỏe, đi trông trẻ thuê, mỗi tháng tôi thu nhập gần 4 triệu. Giờ con còn đi học, không làm chi ra tiền. Nhà toàn con nít với bà già. Lấy bạt che đã, chờ giúp đỡ chứ biết làm sao giờ?”, bà Giàu nói. Phía sau, anh con trai bà cùng mấy người hàng xóm đang đốn cây, đưa lên mái làm khung tạm.

Sát nhà bà Giàu, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Liên (60 tuổi) cũng bị bão cuốn toàn bộ mái tôn ở khu nhà bếp. “Năm ngoái bão cuốn đi, gom góp mãi mới dựng lại được thì nay cơn bão Noru lại cuốn phăng nỗ lực của mấy mẹ con. Chồng chết sớm, mình tôi lam lũ để nuôi 4 đứa con. Giờ hai mẹ con trong ngôi nhà cấp 4. Trước bão, hai mẹ con cũng chạy đi mua dây buộc, xúc cát chằng chống phần mái nhưng khi về thì thấy mọi thứ đã ngổn ngang. Năm nào cũng mưa bão, gom góp dựng lên, bão lại cuốn đi mất. Không biết chừng nào cuộc sống của chúng tôi mới đỡ vất vả hơn”, bà Liên ngậm ngùi.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, thống kê sơ bộ trong toàn xã có khoảng 20 ngôi nhà bị tốc mái do ảnh hưởng của bão Noru. Trong đó, có 4 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn. “Trước mắt, chính quyền xã sẽ bố trí Đoàn viên, thanh niên và an ninh, quân sự để góp sức lợp lại mái nhà cho bà con, ổn định cuộc sống”, ông Bình cho hay.

Thống kê ban đầu, tại tỉnh Quảng Nam, bão Noru làm 72 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 2 trường học bị tốc mái, hư hỏng, 7 trụ sở làm việc bị thiệt hại. Về nông nghiệp, hơn 400 ha lúa, cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị thiệt hại; 300 con gia cầm bị chết. Bão Noru cũng làm chìm 4 tàu cá, 1 ghe của ngư dân. Nhiều tuyến đường lên các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn…bị sạt lở. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương triển khai khắc phục, ổn định đời sống người dân sau mưa bão, tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình thiệt hại.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.