Ánh Tuyết: Phải trân trọng mới thấy bolero hay

Ánh Tuyết từng có ý định bỏ nghề cho đến khi tìm thấy mình trong âm nhạc Văn Cao​. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.
Ánh Tuyết từng có ý định bỏ nghề cho đến khi tìm thấy mình trong âm nhạc Văn Cao​. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.
TP - Ánh Tuyết từng ra liền hai đĩa bolero nhạc mục giống nhau, một đĩa hát bằng giọng Quảng Nam. Dường như khán giả bị chú ý vào cách dùng tiếng địa phương mà quên mất những tâm huyết chị dành cho bolero. Cuộc trò chuyện là dịp để Ánh Tuyết giãi bày về dòng nhạc theo chị đẹp và đáng trân trọng như bất cứ dòng nhạc nào. Đây cũng là lần đầu, chị lý giải sự im hơi lặng tiếng của mình trong âm nhạc, những năm gần đây.

Vào thời hoàng kim nhạc sến/bolero, chị thấy có sự phân biệt giữa các ca sĩ trong dòng này với các dòng khác?

Theo tôi không có. Nhạc bolero rộ lên từ thập niên 1960 cũng là lúc tôi sinh ra. Nhưng bây giờ mới thấy có cái vụ phân biệt nhạc sến/nhạc sang làm thành vấn nạn bàn cãi. Cho dù chúng ta không thích thưởng thức thì cũng không nên có thái độ như vậy. Bởi âm nhạc không có tội gì. Chúng ta có quyền nhận xét âm nhạc (hay/dở) tùy sở thích, tâm trạng nhưng không có quyền áp đặt để phán xét.

Thời đó chị có cảm thấy ca sĩ hát bolero nổi tiếng hơn, thu nhập cao hơn các dòng khác?

Tôi chưa phải ca sĩ thành danh của thời đó. Trong cái nhìn của tôi, ca sĩ ngày xưa luôn được trân quý. Người yêu nhạc nói chung và người làm nghệ thuật hình như không đặt nặng đồng tiền hay đem vào đầu chuyện cư xử, so bì hơn thua lố như bây giờ. Họ cũng không quá quan tâm đến vấn đề phân định dòng nhạc để đánh giá về đẳng cấp hay gì gì đó. Nếu có chăng cũng tự trong lòng mỗi người, nhưng họ khá tế nhị trong ứng xử.

Thời đó những ca sĩ nào đang nổi?

Mỗi ca sĩ đều đều có khán giả yêu thích giọng hát và phong cách rất riêng của mỗi người, như Thái Thanh, Hà Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Sỹ Phú, Duy Quang, Elvis Phương, Anh Khoa… Bolero có Thanh Tuyền, Chế Linh, Giao Linh, Phương Dung… Hồng Vân, Sơn Ca, Bùi Thiện hay Duy Khánh nghiêng về mảng dân ca quê hương nhiều hơn. Rồi mảng ngâm thơ cũng được yêu quý. Còn bây giờ chẳng mấy ai biết ngâm thơ là gì. Cũng như chả màng tới dân ca, có chăng trong vài chương trình giao lưu văn hóa và du lịch?! Mảng opera trước 1975 hiếm, hầu như không có. Thính giả thường nghe qua đĩa của ca sĩ nước ngoài. Nhạc bolero thời đó gần như đứng chung với mảng nhạc quê hương, vì cùng phản ánh những hình ảnh, tâm tư tình cảm rất đời thường một cách đơn giản dễ hiểu nhất.

Nhà tôi bán hàng cơm, ông anh tôi mở ra rả không thiếu dòng nhạc nào, không thiếu ca sĩ nào. Chẳng ai phân biệt, chẳng ai có ý kiến hay xúc phạm ai hết. Có chăng cũng chỉ nói lên sở thích của mình thôi. Đã là âm nhạc, ta phải biết trân trọng mới tận hưởng được cái hay, cái đẹp của nó. Tôi nghĩ chúng ta nên thưởng bolero theo cách nghiêm túc như bao thể loại khác mới thấy được cái hay thật sự trong đó.

Chị nghĩ sao khi bolero quay trở lại gần như thời hoàng kim khi xưa?

Tôi nghĩ âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống. Nó phần nào thể hiện nhu cầu của con người mỗi thời kỳ. Người ta đang thiếu cái gì, cần cái gì thì nghe cái đó. Thế thôi. Chúng ta đừng đặt vấn đề quá lớn ở đây. Nghệ thuật phải để cho công chúng sàng lọc, điều chỉnh theo nhu cầu, theo môi trường phát triển tự nhiên của xã hội, chứ không nên định hướng khi mà ta không hiểu biết nhiều.

Định hướng là việc của những nhà quản lý văn hóa chứ quần chúng thì “đói gì ăn nấy thôi”. Một phần nữa do truyền thông làm quá lên, dẫn đến mọi người hùa theo bàn tán riết hồi thành ra cái này bị xúc phạm quá đáng, cái kia bị tâng bốc quá mức. Những nghệ sĩ đang hát bolero cũng chẳng có lỗi gì. Nhu cầu đời sống như thế, truyền thông hùa theo như vậy. Nghệ sĩ được mấy người vững, đi ngược lại có mà đói à. Còn tôi, thôi thì lánh đi cho yên…

Chị cũng ra đĩa bolero hồi 2013 rồi còn gì?

Tôi làm với mong muốn mọi người nhìn nhận đúng về bolero và góp phần thể hiện khả năng, sự trân trọng một thể loại âm nhạc mà thôi. Bolero không phải loại nhạc để người ta coi thường. Tôi đồng ý là hát bolero không ra sức nhiều như những dòng nhạc khác, nhưng để cho hay cũng không dễ. Đa phần mọi người cứ nghĩ hát xuề xòa, sao cũng được. Có những ca sĩ nghĩ rằng bolero phải hát theo kiểu sướt mướt, rên rỉ hay diễn ủy mị, thiểu não, làm mất sức sống của âm nhạc, khiến người nghe rã rời mệt mỏi... Đừng quên cái gì đưa vào âm nhạc rồi thì nó là nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì chỉ có “quyền” làm cho tinh thần người nghe được tận hưởng cái hay cái đẹp, không nên ngược lại. Mỗi chúng ta cần hiểu đúng về âm nhạc để làm đẹp cho chính cuộc sống  chúng ta.

Tại sao chị không tiếp tục làm tới với bolero sau khởi đầu gây chú ý?

Không chỉ bolero mà đời sống trong nghệ thuật nói chung, thời gian gần đây khiến tôi hơi bị nản. Tôi vốn không chịu dừng lại vì đam mê nghệ thuật từ nhỏ. Nhưng gần 6-7 năm nay tôi cảm thấy buồn nhiều hơn về nhiều khía cạnh trong làng nghệ thuật, trong đời sống âm nhạc, cả trong tình hình quản lý. Và tôi cũng ngán ngẩm cách sống, cách làm của phần nhiều nghệ sĩ bây giờ, nên tôi muốn tránh cái đã. Ngày xưa bất kỳ môn nghệ thuật nào, thể loại nào được đưa ra công chúng, mọi người hớn hở đón nhận đầy trân quý…

Đời sống nghệ thuật hiện nay cũng sôi nổi phong phú mà chị?

Hiện nay âm nhạc vẫn đang sôi nổi nhưng có bình thường không? Hiện tại mảng bolero đang rộ lên như cơn lũ dâng nhanh. Còn nhạc trẻ, không phủ nhận nhiều bạn trẻ có tư duy viết những bài rất tốt, hay và biết cập nhật tâm lý xã hội. Nhưng không ít làm theo trào lưu, thiếu sàng lọc, chứ chưa nói đến bản sắc.

Âm nhạc giờ phổ biến kiểu lai tạp, râu ông nọ cắm cằm bà kia mà không biết học hỏi để tìm cho mình một phong cách riêng. Nhiều ca sĩ na ná nhau, bắt chước phong cách lẫn nhau. Rồi suốt ngày gây bão để được khán giả nhớ đến. Ngày xưa nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên, Cung Tiến, Vũ Thành An rồi Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang cho tới Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương…, nghe giai điệu là biết ngay của ai.

Chị có ngại những nhận định cá nhân của mình sẽ gây dư luận?

Tình trạng xã hội hiện nay đúng là mình không biết đứng ở đâu và nói cái gì. Hở miệng là bị vạ. Tốt nhất chúng ta cần bình tĩnh, đừng nên vội vàng hoảng sợ trước những lời nói trái chiều. Ai nói gì ta cũng nên bình tĩnh suy xét chứ không nên vơ vào.

Một số người hình như chỉ lướt thông tin hay nghe nói lại không hết ý, cảm thấy chạm đến cái tôi là phản pháo liền. Hiện nay muốn nói thẳng cũng khó, trong bối cảnh xã hội mạng, xã hội của bàn phím chứ không phải xã hội thật. Ra trận mà đánh với “ông nội” núp sau bàn phím hoặc khai man giấu mặt là thua chắc rồi.

Cảm ơn chị.

Chắc chị không định giã từ ca hát luôn chứ?

Tôi vẫn âm thầm hoạt động theo cách riêng của mình. Chỉ là tôi thích một mình đi ngược hoặc lẳng lặng đứng nép qua bên để rộng đường cho những cơn bão bất thường đi qua. Và cho mình cơ hội ngẫm suy, quan sát những gì nên hay không, để mà học hỏi thêm thôi.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.