> 'Mùa yêu đương' gần gũi, dễ xem
> Mùa hạ cay đắng
Vở diễn đầu tiên của anh ở Nhà hát Kịch VN, anh lựa kịch bản kỹ lưỡng?
Hội đồng nghệ thuật của nhà hát đọc kịch bản gốc Ba người đàn ông và căn bệnh tai biến (Xuân Đức), nhưng không nhất trí hoàn toàn, thậm chí chê. Tôi và Giám đốc Nguyễn Thế Vinh quyết tâm dựng, sau khi gửi kịch bản lên Cục NTBD, đưa NSND Đình Quang thẩm định.
Thời buổi kịch bản hay hiếm, dù kịch bản này chưa hoàn mỹ, còn dài dòng, giao đãi, vụ việc nhưng ý tưởng tốt, sâu sắc. Tôi cũng trao đổi kỹ với tác giả Xuân Đức, e rằng rất dễ rơi vào xu hướng truyền hình hóa sân khấu: góc này một tí, kia một câu thoại, đặc tả chỗ kia một tí. Sân khấu chỉ có 2 tiếng, mọi cái phải cô đặc, lộ rõ luôn.
Vì thiếu kịch bản đụng chạm nên anh quyết bảo vệ “Tai biến” được cho là đụng đến nhiều vấn đề- lợi ích nhóm, tham nhũng…?
Vấn đề nóng bỏng, nhưng chúng tôi chọn không phải vì thế. Vì nó hay. Ngoài trách nhiệm nghệ sĩ, chúng tôi còn trách nhiệm công dân. Nghệ sĩ phải có tiếng nói để mọi thứ tốt đẹp hơn.
Dư luận báo giới khá hài lòng- bài trí sân khấu ấn tượng, dàn diễn viên tốt. Dẫu thế đôi chỗ còn giao đãi quá. Anh thấy sao?
Nhà văn Xuân Đức khá hài lòng, vấn đề rất nóng bỏng, nhưng tải một cách nhẹ nhàng, không bị cộng hưởng để đùng đoàng. Các nhà sân khấu đầu ngành được mời xem cũng chỉ ra một vài hạt sạn. Hội đồng duyệt của Cục NTBD cũng khen vở diễn lấy lại được phong độ Nhà hát kịch Việt Nam: lịch lãm, sang trọng, khen tính thống nhất, toàn vẹn của vở từ đạo diễn, diễn viên đến xử lý, không lẫn sang phong cách nơi khác. Nhà văn Chu Lai trong hội đồng nghệ thuật Cục NTBD nói đài từ của Tai biến đã lấy lại được cái lấp lánh của nhà hát ngày xưa - đúng Anh cả Đỏ. Tất nhiên còn đôi chỗ chưa ưng, dùng nhiều nhạc Nga quá, phải tiết chế. Tôi lắng nghe, tiếp tục chỉnh sửa.
Nhiều người cho rằng, cách xử lý của anh dễ gây cảm giác ngại động chạm, để qua cửa kiểm duyệt?
Có ý kiến sao không đẩy lên cao trào hơn nữa, vỡ òa ra. Tôi không nghĩ thế. Nghệ thuật lay động con người. Tôi không muốn sa vào vụ việc như một số vở kịch công an- lôi ra ánh sáng các vụ tham nhũng thế này thế kia. Các anh chị muốn xem vụ việc xin mời đến với các đạo diễn khác, hoặc cũng là tôi nhưng ở vở khác. Vấn đề đã nóng, mình chả cần đao to búa lớn. Đôi khi một tiếng thở dài, một tiếng rủ rỉ vào tai sẽ vang vọng khắp nơi, không cần gào thét.
Cái kết mở này là lựa chọn của anh?
Kịch bản gốc có đấy chứ, tất nhiên trong lúc dựng vở tôi có đảo lớp, cắt một số cảnh vụ việc. NSND Phạm Thị Thành xem xong bảo: “Tôi xem các xen mà mọi người xúc động, thấy cũng bình thường. Nhưng kết thúc Tú thả dòng chữ: Mọi chuyện đều có thể xảy ra, tôi trào nước mắt”.
Từ tấm biển ấy, có thể suy ra rộng lắm. Đùng một cái có thể diệt vong trái đất. Kể cả gia đình cũng vậy, chẳng ai nắm tay từ sáng đến tối. Rồi bệnh tật, thiên tai, cái chết, không chừa một ai, không có gì bất biến. Nhiều người hiểu điều đó.
Tai biến, câu chuyện về 3 người bạn từng chung chiến hào, cùng du học: Hoàng Đạo thành TGĐ doanh nghiệp nhà nước, Vũ Lân trở thành thứ trưởng, Trần Tiến là Thiếu tướng công an.
Ghế quyền lực, tham vọng, lợi ích ẩn dưới vỏ bọc tình bạn chí cốt. Khán giả có thể thấy tất cả vấn đề nóng được nhắc đến: sân trước (quyền lực)- sân sau (doanh nghiệp), mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước-tư nhân, rồi phơi bày chiếm đoạt, lừa đảo tài sản, đất đai. Tai biến quy tụ dàn diễn viên: Vĩnh Xương, Việt Thắng, Hồng Quang, Thúy Phương, Lan Hương, Minh Tùng...