Anh Trần, Cụ Trần...

Anh Trần, Cụ Trần...
TP - Sáng sớm đồng nghiệp Minh Diện trong Nam nhắn ra cái tin Anh Trần Quang mất đêm qua (20/4/2013) biết chưa? Thì bây giờ tôi mới biết!

Lẩn thẩn nghĩ thêm, nhà báo Trần Quang bây giờ ít người tường. Nhưng lứa cán bộ Đoàn cùng dàn báo chí những năm sáu, bảy, tám mươi của thế kỷ trước thì khá rành!

... Bây giờ cái sở làm mà mình tòng sự năm 1977 ấy đã xây cất mới. Mọi sự đổi thay...

Nhưng thử nhắm mắt lại. Tưởng như bàn bên, ban ngày là Trưởng ban Kinh tế Trần Quang, cặp mắt thường khép tít lại mỗi khi cật vấn đám viết chúng tôi, những ban viên Xuân Nam (Dương Kỳ Anh), Nguyễn Hoàng Sơn, Bích Hậu (sau này có danh cả). Nhưng hồi ấy cụ Trần, anh Trần (chúng tôi quen gọi thế lâu đâm quen) đe nẹt cho phải biết!

Cụ Trần? Hồi ấy mới ngoại tứ tuần chứ mấy? Phóng viên báo Tiền Phong Trần Quang về báo sau lứa những Bùi Ngọc Tấn, Tất Vinh (Hồng Dương), Mai Cát... vài năm.

Từ một cán bộ Đoàn cơ sở, học hành bập bõm, thời gian ở Tiền Phong không hề suông nhạt mà bật lên với những cặm cụi, những học hành phấn đấu, anh cộng tác viên Trần Huy Mậu (tên khai sinh là Trần Văn Mẫn) đã có một bút danh Trần Quang lúc cần mẫn, khi nổi trội với mảng viết về kinh tế mà thuần về nông nghiệp!

Anh Trần? Mọi chủ trương đường lối trên phân giao cho T.Ư Đoàn thì tờ báo Đoàn hầu như tiên phong gánh! Gánh bằng cách đem về mà thử nghiệm ở cơ sở. Chài chãi, sài sãi guồng xe đạp. Vô số cái mệt, đói cùng nhiêu khê. Nhưng thời ấy chúng tôi cứ vô tư đạp xe theo anh Trần.

Có đêm bừng thức, lập lòe đốm đỏ điếu thuốc cuộn. Anh Trần đương đuổi muỗi cho cả bọn! Nhiều bận, 225 và 250 gram tem gạo mỗi bữa, anh Trần lẳng lặng trả cho cả đám phóng viên dẫu hoàn cảnh anh, vợ con ở quê cũng kẹt lắm bề chúng mày về Hà Nội mang mà đổi bánh mỳ ăn thêm...

Có một tay trong Ban Kinh tế, chắc do quý cụ Trần với cũng được cụ chiều, kể chuyện này không biết có phải? Chao ôi bọn quỷ chúng mày (cụ Trần vẫn gọi đám chúng tôi như vậy) khó tin lắm? Chuyện là phu nhân cụ Trần chất phác hiền lành, lên thăm chồng làm nhà báo ở Hà thành vẫn mặc... yếm! Bận ấy, cụ Trần chiều vợ mua cho cái áo con mà hồi ấy gọi bằng cooc- xê. Khi hỏi thì phát hiện ra bà xã mặc nó ra ngoài cái... yếm!

Nể phục lẫn quý cụ với anh Trần nên khi cụ nạt với đe lúc thì câu cú, lúc thì lạc đề tài này các anh viết văn hay viết báo đây? Nhận bản thảo viết trên mặt giấy nứa hay bản tin một mặt của Thông tấn xã, chữ ông Trưởng ban Kinh tế chữa cho đỏ lòe đỏ loẹt nhưng anh nào cũng im như thóc cấm có dám ho he!

Trên, đương nói dở chuyện ban ngày. Còn ban đêm? Ban đêm thì bên tôi hai cái bàn gần nhau. Hồi ấy làm chi có nhà? Lại lười cuốc bộ về khu tập thể Hàng Trống bẩn chật nên hầu hết nằm bàn cơ quan. Đầu hai cái bàn ấy nhô lên hai tấm trán thưa tóc gần bằng nhau. Một của nhà thơ Dương Kỳ Anh tức Xuân Nam. Còn cái kia là của cụ Trần, anh Trần.

Quái, đương ngáy rền là thế nhưng khi tôi rón rén móc trộm thuốc lá cuộn bà Sinh (quán ấy gần cơ quan nổi tiếng trà chén thuốc lá cuộn) thì thót cả người khi âm thanh phát ra từ mớ ngáy ấy thuốc trên túi ngực ấy, sao móc túi quần!

Rồi cụ Trần, anh Trần chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng Đại diện. Vợ con đi theo.

Dịp cận Tết ấy, cụ Trần ra Bắc, ghé chỗ tôi. Tít lại kiểu nheo mắt và giọng rủ rỉ như mọi bận, anh Trần hất đầu, làm cho tao mấy chữ...

Thì ra, quý hóa, ông cụ thân sinh ra anh vẫn còn khỏe mạnh. Tết này, anh về quê Kim Thành, Hải Dương để mừng thượng thượng thọ cửu thập cho cha.

Nghe mà phát hoảng ba cái vụ chữ nghĩa! Nhưng cụ Trần đã lệnh thì cũng là thôi cũng là đành! Rồi một hồi lâu, tôi cũng trịnh trọng trao anh Trần câu đối mừng cụ thân sinh.

Cửu tuần thọ hạc

Thất trật Lão Lai

Nghĩa:

Chín mươi tuổi còn thọ dài lâu

Bảy mươi tuổi (xin, nguyện) được làm Lão Lai tử

(Lão Lai tử: Đời xưa có ông Lão Lai rất có hiếu với cha mẹ. Bảy mươi rồi mà ông vẫn thường múa hát, cười đùa để bố mẹ vui).

Mấy chữ ấy có ý chúc thọ cụ nhà tròn chín mươi tiếp tục mạnh khỏe sống lâu cùng con cháu vừa có ý ngợi khen ông con trai bảy mươi (Trần Văn Mẫn tức Trần Huy Mậu tức Trần Quang) vẫn thường hiếu đễ với cha già!

Anh Trần nghe qua gật gật...

Một thứ bản thảo cuối cùng, Trưởng ban anh Trần duyệt nhưng không cần chữ ký...

Bây giờ, sáng nay nghe tin dữ về anh Trần, cụ Trần...

Ước chi được trở lại cái thời chỉ vài buổi anh Trần ơi, những ngày xưa thương mến ấy!

Đêm 21/4/2013

Xuân Ba

Tin buồn

Quận ủy - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 3 Đảng bộ cơ quan Trung ương Đoàn, Ban Biên tập báo Tiền Phong, Đảng ủy - Ủy ban nhân dân - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 8 quận 3 và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí Trần Văn Mẫn (tức nhà báo Trần Quang). Sinh ngày 22 tháng 02 năm 1936, tại xã Kim Anh - huyện Kim Thành - tỉnh Hải Dương, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 13/01/1960.

Nguyên Trưởng ban Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM - nguyên Bí thư Đảng ủy cơ sở phía Nam T.Ư Đoàn, đã nghỉ hưu.

Hưởng thọ: 78 tuổi.

Khen thưởng:

Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 2, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí, 

Đã từ trần lúc: 01 giờ 05 phút ngày 21 tháng 4 năm 2013.

Linh cữu quàn tại: Nhà tang lễ Thành phố Hồ Chí Minh, số 25 Lê Quý Đôn - phường 7 - quận 3 - TP Hồ Chí Minh.

Lễ viếng bắt đầu: 14 giờ 00 phút ngày 21 tháng 4 năm 2013.

Lễ truy điệu lúc: 05 giờ 30 phút ngày 23 tháng 4 năm 2013.

An táng tại Nghĩa trang Chính sách huyện Củ Chi.

Quận ủy - ủy ban nhân dân - ủy ban MTTQ Việt Nam quận 3, Đảng bộ cơ quan Trung ương đoàn, Ban Biên tập báo Tiền Phong, Đảng ủy - Ủy ban nhân dân - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 8 và gia đình

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG