Anh Thơ - làm mới mình

TP - Nhắc đến dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca không ai quên ca sĩ Anh Thơ. Cô được nhìn nhận như là một “diva” của dòng nhạc này. Có lẽ, sự đánh giá ấy không ngoa với sự đam mê, nỗ lực bền bỉ và thái độ làm việc nghiêm túc của cô ca sĩ xứ Thanh.

Trước khi đến với nghề, chị  chỉ là một cô bé nông thôn, không phải con nhà nòi, cũng không có điều kiện để tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ. Không có sự đam mê, có lẽ cô bé Anh Thơ ngày đó lớn lên rồi cũng sẽ trở thành một cô nông dân ngày ngày ra đồng nhổ mạ, cấy lúa, gánh phân…

Thỉnh thoảng giữa buổi giải lao, ngồi bên những người nông dân khác, chị lại cất lên giọng hát của mình, khiến những vất vả, lo toan nơi họ vơi bớt phần nào.

May mắn của Anh Thơ có lẽ là được thừa hưởng gene di truyền từ người bố - một người nông dân của xứ “rau má” nhưng có giọng hát mộc mạc được bà con lối xóm yêu thích.

Bước ngoặt bắt đầu vào năm 1993, trong lần đi làm đồng về, Anh Thơ hay tin Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh thông báo tuyển ca sĩ. Hồi đó, Anh Thơ đi thi mà không hề có một sự chuẩn bị nào. Chị chỉ đạt loại B, trong khi nếu đạt loại A sẽ được học không phải đóng tiền.

Thấy con mình đam mê ca hát, bố mẹ đã dành dụm tiền, quyết tâm cho Anh Thơ theo học. Ba năm sau Anh Thơ tốt nghiệp Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, rồi thi vào Nhạc viện Hà Nội. Tại đây, chị được cô Diệu Thúy (Trưởng khoa Thanh nhạc lúc bấy giờ) giúp đỡ và hướng dẫn.

Sau khi thi đỗ vào trường, lại được cô Hồ Mộ La trực tiếp giảng dạy, uốn nắn từng chút một, Anh Thơ dần dần có độ chín, bắt đầu tham dự một số cuộc thi và mang về những thành tích đáng kể: Giải Tiếng hát truyền hình Hà Nội năm 1998, giải ba giọng hát truyền hình toàn quốc năm 1999, giải nhì thính phòng toàn quốc năm 2000…

Có một thực tế đáng buồn, hiện nay nhiều khán giả trẻ không còn mặn mà với dòng nhạc truyền thống. Các ca sĩ của dòng nhạc này đang phải đương đầu với khó khăn khi sự xuất hiện của họ trước công chúng dường như chỉ vào các ngày kỷ niệm, các ngày lễ trong năm. Nhưng với niềm đam mê của mình, Anh Thơ cho biết, dù có khó khăn đến đâu thì chị cũng không bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề.

Với những gì mà ca sĩ Anh Thơ có hiện nay, kể ra chị cũng là một người thành đạt. Hiện tại, chị có hậu thuẫn là một gia đình hạnh phúc với một người chồng thành đạt và cô con gái sáu tuổi đáng yêu. Anh Thơ hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hạnh phúc gia đình, cho nên sau những giờ biểu diễn, chị lại về chăm chút cho tổ ấm của mình.

Hết mình, luôn hát hết mình, hát bằng trái tim, bằng nhiệt huyết với nghề khiến Anh Thơ luôn luôn được khán giả yêu mến. Trong hoàn cảnh “chợ chiều” của dòng nhạc chính thống hiện nay nhưng Anh Thơ vẫn luôn đắt show, có tháng cách 2, 3 ngày chị lại diễn.

Tìm một con đường

Với chất giọng soprano trong sáng, tinh tế, tràn ngập cảm xúc, Anh Thơ đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả bằng những ca khúc trữ tình cách mạng hay những ca khúc mang âm hưởng điệu ví câu hò quê hương.

Hiện nay ca sĩ Anh Thơ đang là giảng viên khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội. Mặc dù rất bận rộn với việc giảng dạy nhưng mỗi khi có dịp, khán giả vẫn được xem ca sĩ Anh Thơ biểu diễn trên các sân khấu lớn.

Đến nay, Anh Thơ là một tên tuổi đã được khẳng định, nhiều người còn so sánh chị với những tài năng gạo cội như: Tân Nhân, Lê Dung, Thanh Huyền… Chị đã từng đi diễn ở nhiều nước như: Nga, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hà Lan, Lào…

Đi diễn nhiều như thế, nhưng những ấn tượng của ngày đầu đi diễn thì Anh Thơ không bao giờ quên được. Lúc đó chị 18 tuổi. Đất nước hồi đó còn nghèo, sự nhìn nhận về nghề hát nhiều khi chưa đúng và thích đáng.

Nhiều người vẫn xem nghề ca hát là “xướng ca vô loài”. Anh Thơ ý thức được điều đó nên trong lòng không tránh khỏi cảm giác tủi hờn. Và chính nhờ niềm đam mê đã giúp chị vượt qua được tâm lý nặng nề đó.

Tham gia giảng dạy từ năm 2001, ca sĩ Anh Thơ cho rằng vừa đi dạy vừa đi hát là con đường đúng đắn nhất mà chị đang theo đuổi cho dù đây là con đường vất vả nhất trong mọi con đường.

Và theo Anh Thơ, cả hai nghề này hỗ trợ cho nhau rất tốt. Đi hát chị có thêm kinh nghiệm cho nghề dạy. Còn khi đi dạy, chị được ôn lại những kiến thức chuyên môn.

Cũng như đi hát, nghề giáo viên cũng đòi hỏi đam mê, tâm huyết của người thầy đối với nghề, đối với học trò của mình. Vì mỗi một học sinh là một cá tính, một tố chất khác nhau.

Trong quá trình giảng dạy, đòi hỏi chị phải có sự linh hoạt, tùy vào khả năng và sở thích của học sinh để có phương pháp dạy cho phù hợp, giúp học sinh đó đạt đến mức yêu cầu hoặc hơn.

Không có đam mê thật sự thì Anh Thơ khó lòng để làm tốt cả hai cương vị trên. Anh Thơ đã làm tốt vai trò của mình trên cả hai cương vị: ca sĩ và giáo viên. Bằng chứng là gần 10 năm qua, chị vẫn đứng vững trên con đường mà mình đã chọn.

Có lẽ ông trời đã không phụ lòng người. 5 album đã phát hành của Anh Thơ: Gửi em ở cuối sông Hồng (song ca cùng ca sĩ Việt Hoàn), Tình em, Như ta có thể, Một dòng nghiêng soi, Người ơi hãy về đều gây được ấn tượng trong lòng công chúng. Anh Thơ sắp trình làng album thứ 6 mà tạm thời chị chưa đặt được tên nhưng hứa hẹn sẽ là một album đáng nghe. Chị cho biết: “Đây là một album phong phú đa dạng, có những bài trữ tình, những bài chính thống, có cả nhạc pop”.

Có lẽ, những lần ra album là những lần tất bật với ca sĩ Anh Thơ. Không giống như các ca sĩ có ông bầu hay người quản lý lo tất cả mọi việc từ biểu diễn đến ra album. Anh Thơ cứ lẳng lặng làm một mình. Chị tự bỏ tiền túi để album, tự biên tập, tự chăm lo hình ảnh cho mình. Album tới đây được chị đầu tư hình ảnh rất công phu.

Mong muốn của ca sĩ Anh Thơ bây giờ là được một lần ra đảo Trường Sa để mang tiếng hát của mình phục vụ cho các chiến sĩ ngoài đó bởi chị cũng phần nào hiểu được sự thiếu thốn về tinh thần của họ. Hy vọng một ngày, ngoài hải đảo xa xôi kia, sẽ có tiếng hát của Anh Thơ hòa lẫn trong tiếng sóng biển rì rào…