Anh sẽ duy trì 2 tàu chiến thường trực ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tại căn cứ hải quân ở Portsmouth, Anh, vào tháng 9/2020. Ảnh: UK Navy
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tại căn cứ hải quân ở Portsmouth, Anh, vào tháng 9/2020. Ảnh: UK Navy
TP - Anh sẽ duy trì lâu dài 2 tàu tuần tra ở Ấn Độ - Thái Bình Dương sau khi điều nhóm tàu sân bay tác chiến HMS Queen Elizabeth đến khu vực này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 21/7.

Thông báo nhấn mạnh sự mở rộng hợp tác quân sự giữa hai quốc gia trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc) và quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Hai bộ trưởng quốc phòng xác nhận nhóm tàu sân bay Anh sẽ cập cảng hải quân Mỹ ở Yokosuka trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 9. Đây là nơi đóng quân lớn nhất của lực lượng Mỹ ở nước ngoài. Ông Kishi nói rằng các tàu trong nhóm tác chiến Queen Elizabeth sẽ chia ra để thăm căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở Yokosuka, Maizuru và Kure, cùng căn cứ Sasebo và White Beach của Hải quân Mỹ ở Okinawa.

“Sau chuyến đi đầu tiên của nhóm tàu sân bay tác chiến, Anh sẽ phân công 2 tàu thường trực ở khu vực từ cuối năm nay”, ông Wallace nói trong thông báo chung của hai bộ trưởng sau cuộc gặp. Hai tàu của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ không có cảng thường trú, phát ngôn viên của Đại sứ quán Anh tại Tokyo cho biết. Hai tàu này sẽ được các nước Nhật Bản, Úc và Singapore hỗ trợ hậu cần.

Cuộc gặp của hai bộ trưởng diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi nhóm tàu sân bay Anh diễn tập chống cướp biển với hải quân Nhật Bản trên Vịnh Aden ở ngoài khơi Somalia. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Hoàng gia Anh có kế hoạch thực hiện thêm các cuộc tập trận chung khi nhóm tàu Queen Elizabeth đến khu vực. “Nhật Bản và Anh chia sẻ các giá trị chung, phải sát cánh với nhau để đối mặt với các thách thức ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, ông Kishi nói.

Nhóm tàu Queen Elizabeth khởi hành từ tháng 5, dự kiến sẽ có các chặng dừng chân ở Singapore, đi qua Biển Đông và đến Hàn Quốc, Nhật Bản. Tàu sân bay Queen Elizabeth đang được 2 tàu khu trục, 2 khinh hạm, 2 tàu hỗ trợ và các tàu chiến của Mỹ và Hà Lan hộ tống.

Bộ trưởng Wallace cho biết ông và Bộ trưởng Kishi cũng đã bàn về kế hoạch triển khai nhóm phản ứng gần bờ đến khu vực, với nòng cốt là các tàu tấn công đổ bộ và một đơn vị lính thủy đánh bộ được huấn luyện kỹ năng sơ tán và hoạt động chống khủng bố. Nhóm tàu sẽ đến khu vực vào cuối tháng 8. Đây được coi là một dấu hiệu nữa thể hiện sự quan tâm lớn hơn của Anh đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sau thông báo của phía Anh và Nhật Bản, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc chúc mừng Anh với “cam kết về một mạng lưới các đồng minh và đối tác được kết nối với nhau, hợp tác và hỗ trợ tự do hàng hải và trật tự dựa trên quy tắc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Reuters đưa tin.

MỚI - NÓNG