'Anh Sáu Khải nhân hậu, sống có tình có nghĩa'

'Anh Sáu Khải nhân hậu, sống có tình có nghĩa'
TPO - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Bền- Nguyên phóng viên thông tấn xã Việt Nam tại TPHCM và thông tấn xã Giải Phóng tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam khi nói về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. 

Ông Bền kể: “Là phóng viên, tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều với anh Sáu Khải, ngay từ khi anh ấy về lại TPHCM để làm việc trong Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Mỗi lần gặp, anh Sáu đều đón tiếp vui vẻ, xưng tao mày với chúng tôi như bạn bè. Sau này dù làm đến chức to ở Hà Nội nhưng khi gặp anh ấy vẫn giữ thái độ vui vẻ đó.

Tôi vẫn nhớ cái lần họp tổng kết thông tấn xã tại Hà Nội, anh Sáu tới tham dự và phát biểu. Gặp tôi anh ấy vẫn trò chuyện vui vẻ, thân mật. Thấy tôi nói chuyện với ảnh, mấy người đồng nghiệp hỏi tôi 'có phải em ruột ảnh không mà sao giống thế'. Ảnh cười: 'Thì tui thứ 6 nó là út mà'”.

'Anh Sáu Khải nhân hậu, sống có tình có nghĩa' ảnh 1 Ông Nguyễn Thanh Bền

Kỷ niệm ông Bền nhớ nhất về ông Sáu là câu chuyện của người bạn thân, ông Nguyễn Văn Tư (Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam- Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường Sắt). Đó là vào năm giữa thập niên 80, khi ông Tư từ Hà Nội vào Sài Gòn nhận công tác. Do thủ tục hành chính còn thiếu nên ông Tư không có nhà ở, vẫn phải ở tạm nhà bạn.

Một hôm khi ông Tư về nhà thì thấy ông Sáu Khải đã ngồi chờ trước cửa từ bao giờ. Ông Sáu Khải trò chuyện không câu nệ khi bảo ông Tư: “Tụi tao nghe tin mầy vô trong nầy, chắc còn khó khăn. Thôi an tâm làm việc đi, tụi tao sẽ lo cho. TPHCM không ai bỏ mầy đâu!”.

Ông Bền Ngậm ngùi: “Ông Tư mất mấy tháng rồi, nhưng hồi trước mỗi khi trò chuyện, ổng đều nhắc về ông Sáu và coi ông Sáu như là ân nhân. Ông Tư luôn nói ông Sáu sống có tình, có nghĩa với mọi người”.

'Anh Sáu Khải nhân hậu, sống có tình có nghĩa' ảnh 2 Thủ tướng Phan Văn Khải trong một lần tham gia trao tặng sách Gia phả tại Củ Chi  

Năm 1999, ông Bền nghỉ hưu và tham gia Trung tâm nghiên cứu các dòng họ Việt Nam. Khi xây dựng gia phả họ Phan, ông Bền đã mạnh dạn nhờ ông Sáu giúp đỡ và ông Sáu nhận lời. “Tôi gửi bản kế hoạch xây dựng ra Hà Nội cho ông Sáu coi. Biết khi đó ông Sáu đang làm Thủ tướng, nhiều công việc quan trọng hơn nhưng không ngờ chỉ một tuần sau ông Sáu đã hồi âm, phản hồi đầy đủ mọi vấn đề. Điều đó chứng tỏ ổng đọc rất kỹ”- ông Bền kể lại. Khi công bố cuốn gia phả dòng họ Phan tại Củ Chi, ông Sáu cũng về tham dự và có bài phát biểu xúc động. Sau đó, ông Bền đã lưu lại bài phát biểu này, coi như kim chỉ Nam cho các hoạt động của Trung tâm.

Bài phát biểu của ông Phan Văn Khải về chuyện gia phả có đoạn viết: “...Nên lưu ý rằng chúng ta chỉ có Tổ quốc, dân tộc là trên hết. Mà Tổ quốc, dân tộc Việt Nam là do cả ngàn họ mới hình thành được, mà cả ngàn họ đó cùng góp phần gìn giữ bờ cõi, mới xây dựng đất nước ta như ngày nay chứ không có một họ nào mà có thể đứng ra làm được. Vì vậy, khi mỗi dòng họ mình đã làm gia phả rồi, đã biết phát huy truyền thống cách mạng của họ mình và cần phải đoàn kết, phải thống nhất cùng góp phần xây dựng đất nước của chúng ta giàu đẹp đi lên chủ nghĩa xã hội. Có như vậy, việc làm gia phả của chúng ta mới có ý nghĩa. Gia phả giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục con em chúng ta nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Chúng ta xây dựng gia phả để biết tổ tiên, dòng họ chúng ta, biết được những hy sinh của người đi trước. Họ hy sinh thân mình với hy vọng cuộc sống đời sau tốt đẹp hơn: Cuộc sống của gia đình mình tốt hơn, dòng họ có điều kiện phát triển tốt hơn, làng xóm tốt hơn, được sống được độc lập, tự do, đất nước được thống nhất... Như vậy, khi làm gia phả, chúng ta phải làm cho con cháu mình biết được ý nghĩa của sự hy sinh này, để từ đó cố gắng sống tốt, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp người đi trước. Chúng ta cần quan tâm đến việc xây dựng dòng họ sao cho trở thành một dòng họ tốt. Nếu xã hội có nhiều dòng họ tốt, thì ta mới có được một xã hội tốt, ngược lại, dòng họ chưa tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội. Dòng họ tốt ở đây, theo tôi, chính là dòng họ văn hóa. Như vậy, có thể nói, việc xây dựng dòng họ văn hóa có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần làm cho xã hội chúng ta tốt đẹp hơn”.

Theo ông Bền, hiện Trung tâm đã làm được trên 170 bộ gia phả về các dòng họ, trong đó có không ít dòng họ tham khảo ý kiến của ông Sáu Khải. “Chúng tôi cảm ơn ông Sáu rất nhiều và rất buồn khi ông mất. Trung tâm đã đăng ký để tới viếng ông Sáu vào ngày tang lễ chính thức”- Ông Bền cho biết. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.