Anh Nguyễn Văn Trỗi an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM

Phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại Nghĩa trang liệt sĩ TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại Nghĩa trang liệt sĩ TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ngày 15/4, phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi từ nghĩa trang Văn Giáp (quận 2) được chuyển về khu vực các phần mộ tiêu biểu nghĩa trang liệt sĩ TP HCM (quận 9) theo nguyện vọng của gia đình. Buổi an táng diễn ra trang trọng với gần một nghìn người tham dự.

Anh Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Mồ côi mẹ từ nhỏ, anh theo cha ra Đà Nẵng kiếm kế sinh nhai.

Sau Hiệp định Gèneve, gia đình anh vào Sài Gòn, tá túc tại nhà anh họ ở Vườn Xoài. Ban đầu Trỗi học xích lô, sau anh theo học nghề điện.

Năm 23 tuổi, trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn, anh trở thành một chiến sĩ trong tổ chức Biệt động Thành (F100), đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn.

Anh Nguyễn Văn Trỗi an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM ảnh 1 Người thân liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi bật khóc trong ngày an táng hài cốt anh tại Nghĩa trang liệt sĩ TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Đầu 1963, anh được đưa ra căn cứ học chính trị, tập huấn cách đánh biệt động nội thành, gặp các đồng đội Ba Sơn, Tư Kiếm, Nguyễn Hữu Lời. Họ được tổ chức thành một tổ hoạt động và nhận nhiệm vụ đánh mục tiêu là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.

Ngày 2/5/1964, anh Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) để ám sát phái đoàn quân sự cao cấp của chính phủ Mỹ do Robert McNamara dẫn đầu. Công việc đang được chuẩn bị thì tổ biệt động nhận thông báo phái đoàn của Mỹ sẽ đến sớm hơn hai tuần dự kiến.

Sáng 9/5, tổ biệt động xuất phát để hoàn tất phần chuẩn bị sau cùng. Đêm hôm đó, anh Trỗi và đồng đội bị bắt khi đang làm nhiệm vụ.

Anh Nguyễn Văn Trỗi an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM ảnh 2 Anh Nguyễn Văn Trỗi trong giờ phút ở pháp trường. Ảnh: Thành Đoàn TP HCM.

Anh Nguyễn Văn Trỗi bị tòa án quân sự kết án tử hình và bị xử bắn sáng 15/10/1964. Anh không đồng ý bị bịt mắt và xưng tội, hai tay bị trói chặt vào cột nhưng đôi mắt vẫn hiên ngang. Chín phút tại pháp trường của Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành biểu tượng bất tử của thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên anh được đặt cho một khu tưởng niệm tại vị trí anh thực hiện nhiệm vụ trước khi bị bắt ở quận 3 và nhiều con đường, trường học trên khắp nước.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG