Anh kêu gọi châu Âu chung tay đối phó ‘cướp biển’ Iran

Anh kêu gọi châu Âu chung tay đối phó ‘cướp biển’ Iran
TPO - Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt vừa trình kế hoạch đối phó với Iran lên quốc hội, sau cuộc họp của ủy ban xử lý các tình huống khẩn cấp của chính phủ để tìm lối thoái cho vụ tàu chở ầu Stena Impero của nước này bị Iran tịch thu.

"Theo luật quốc tế, Iran không có quyền cản trở con tàu lưu thông, chưa nói đến chuyện ập lên tàu. Vì thế đó là hành động cướp biển”, ông Hunt nói trước quốc hội Anh. 

“Chúng ta sẽ thực hiện một sứ mệnh bảo vệ hàng hải do châu Âu đi đầu để hỗ trợ tự do đi lại của các tàu và thủy thủ đoàn ở khu vực quan trọng này”, ông Hunt nói.

Thông báo này là tín hiệu cho khả năng thay đổi quan điểm của một trong những đồng minh lớn của Mỹ ở châu Âu trước đề xuất của Mỹ về việc gia tăng hiện diện quân sự ở vùng Vịnh. Đề xuất này của Washington đưa ra từ nhiều ngày trước nhưng vẫn bị các đồng minh e dè vì sợ đối đầu với Iran. 

Vẫn chưa rõ Anh còn có ảnh hưởng đến mức nào lên châu Âu khi nước này sắp có thủ tướng mới, rất có thể là ông Boris Johnson, người tiếp quản vị trí lãnh đạo khi nước Anh đang chia rẽ lớn về chuyện Brexit. 

Nhưng ông Hunt nói rằng đề xuất bảo vệ hoạt động trên biển sẽ không liên quan đến đề xuất của Mỹ về việc châu Âu đóng góp lực lượng để củng cố quan điểm cứng rắn của Washington với Iran. 

Nhiệm vụ bảo vệ hoạt động trên biển của Anh “sẽ không phải một phần của chính sách gây áp lực tối đa của Mỹ với Iran vì chúng tôi vẫn cam kết tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran”, ông Hunt nói. 

Từ Nicaragua, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc tàu chở dầu của Anh gây đe dọa cho hoạt động hàng hải vì đã tắt tín hiệu lâu hơn cho phép và “đi sai đường”. 

Ông Zarif nói rằng hành động của Iran không phải để trả đũa việc Anh tịch thu một tàu chở dầu của Iran cách đây 2 tuần ở ngoài khơi Gibraltar. Ông Zarif cũng cảnh báo phương Tây chớ “khơi mào xung đột”, và rằng Tehran không muốn đi đến đối đầu. 

“Khơi mào xung đột rất dễ, kết thúc nó sẽ là điều không thể”, ông Zarif nói với các phóng viên sau cuộc gặp với người đồng cấp Nicaragua. “Điều quan trọng mà mọi người phải nhận ra và ông Boris Johnson phải hiểu là Iran không tìm kiếm đối đầu”, Ngoại trưởng Iran nói. 

Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc
Các đồng minh lớn của Mỹ ở châu Âu là Anh, Pháp và Đức đều phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc từ bỏ thỏa thuận quốc tế nhằm cho phép Iran hội nhập thương mại quốc tế để đổi lấy việc hạn chế phát triển chương trình hạt nhân. 

Diễn biến mới nhất trong chiến dịch gây áp lực của Mỹ là việc Mỹ vừa thông báo trừng phạt công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc Zhuhai Zhenrong bị cáo buộc vi phạm trừng phạt đối với ngành dầu khí của Iran, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết. 

Châu Âu đang cố gắng trung lập khi căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng. Nhưng Anh bị sa vào cuộc khủng hoảng này từ hôm 4/7 sau vụ một tàu chở dầu của Iran bị tịch thu ở ngoài khơi Gibraltar với cáo buộc vi phạm trừng phạt đối với Syria. 

Iran nhiều lần dọa sẽ trả đũa, và đã bắt con tàu Stena Impero từ cuối tuần trước. Lực lượng biệt kích của nước này nhảy từ trực thăng xuống khoang tàu giống như cách lính thủy đánh bộ Anh đã ập xuống con tàu của Iran. 

Khi được hỏi về vụ thu giữ con tàu của Anh, ông Pompeo nói: “Anh có trách nhiệm bảo vệ tàu của họ”.

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG