Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện năm 2022 do ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang trình bày cho thấy, năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống KT-XH.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự giám sát hiệu quả của HĐND tỉnh và sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX |
Tốc độ tăng GRDP cả năm ước đạt 7,82% (cao hơn dự báo trước đó). Năng suất lao động tăng 4,4%. GRDP bình quân đầu người đạt 2.950 USD, tăng 3,7%, bằng 89,9% kế hoạch. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh và khá vững chắc. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 11,2%. Quy mô giá trị sản xuất đạt 300 nghìn tỷ đồng, bằng 88% kế hoạch.
Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả toàn diện, nổi bật, khẳng định vững chắc vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,2%, quy mô đạt 38.310 tỷ đồng, vượt 0,5% kế hoạch.
Dịch vụ từng bước hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,8%; quy mô đạt 42.730 tỷ đồng, bằng 99,4% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu đạt 15,7 tỷ USD, tăng 39,8%, đạt 105,8% kế hoạch.
Thu, chi ngân sách nhà nước đạt kết quả nổi bật. Tổng thu cả năm ước đạt 15.745 tỷ đồng, tăng 26,9% so với năm 2020, vượt 56,1% dự toán. Chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ và xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội. Ước thực hiện chi cân đối ngân sách địa phương năm 2021 đạt 28.279 tỷ đồng, đạt 168,7% dự toán.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 tăng 13 bậc so với năm 2019. Dự kiến đến hết năm, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh (quy đổi) toàn tỉnh đạt 1,26 tỷ USD; có 1.381 doanh nghiệp được thành lập. Riêng thu hút đầu tư FDI đứng thứ 10 cả nước
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được đánh giá là chủ động, linh hoạt, ứng biến kịp thời. Bắc Giang là tỉnh đi đầu trong việc nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch. Bắc Giang cũng là tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch và triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Dự tính đến hết tháng 12/2021, toàn tỉnh sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho 98% người từ đủ 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho 99% trẻ em từ 15 đến dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, dự kiến có 5/18 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu không đạt kế hoạch đề ra. Môi trường đầu tư được cải thiện nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Một số dự án đầu tư phải xin tạm ngừng, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động ở mức cao. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn ít, chưa tạo môi trường liên kết ổn định giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư chưa quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện bồi thường GPMB. Tiến độ thực hiện một số dự án đô thị đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội còn chậm.
Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang cho hay, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX sẽ xem xét, quyết định mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH, thu chi ngân sách và đầu tư phát triển của tỉnh năm 2022, thông qua 22 nghị quyết; nghe báo cáo của các ngành và chất vấn các thành viên UBND. Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày, từ 8 đến 10/12