Tờ Haaretz, nhật báo lâu đời nhất Israel, dẫn lời giáo sư Amatzia Baram thuộc Đại học Haifa, cho biết cảng Sevastopol (Ukraine) được Nga thuê để làm nơi đồn trú cho Hạm đội Hắc Hải kể từ năm 1991.
“Nga luôn có một vấn đề chiến lược cực kỳ quan trọng phải giải quyết, đó là làm sao đảm bảo đường tiến của quân đội vào các vùng nước ấm áp ở Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và cả những nơi khác vào mùa đông”, nhật báo Haaretz dẫn lời ông Baram.
“Sevastopol hiện đóng vai trò là cửa ngõ nói trên cho quân đội Nga”, giáo sư người Israel phân tích.
Ngoài ra, quân cảng Tartus (Syria) được xem như là “bến cảng trú ẩn an toàn” cho Hải quân Nga ở Địa Trung Hải và hiện đang có một đội tàu chiến thuộc quyền chỉ huy của Hạm đội Hắc Hải tại Sevastopol đồn trú tại đó.
Cảng Sevastopol là cửa ngõ tiến vào Địa Trung Hải của quân đội Nga - Ảnh: New York Post.
Vào tháng 5/2013, Nga đã thành lập “Bộ Chỉ huy Hải quân Địa Trung Hải”, gồm 11 tàu chiến thuộc đủ chủng loại (tàu sân bay, tàu săn tàu ngầm, tàu hộ tống và chiến hạm trang bị tên lửa) như một phần trong chiến lược điều động quân sự mới để đối phó với cuộc nội chiến tại Syria.
Và hạm đội tàu chiến này hiện đang neo đậu tại cảng Tartus.
“Tất cả các hoạt động của Nga tại khu vực phía đông Địa Trung Hải hiện tại đang phụ thuộc vào quân cảng Sevastopol ở Ukraine. Tuy nhiên, chính 2 cảng Tartus và Lakatia tại Syria cho phép Nga vận chuyển vũ khí cho quân đội chính phủ Syria và bảo vệ quyền lợi của mình tại Damascus”, Giáo sư Baram nhận định.
Ông còn chỉ ra rằng, trong khi Mỹ đề cao cảnh giác Ai Cập thì Moscow và Cairo hiện đang xúc tiến bắt tay nhau, thể hiện qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 2 tỉ USD cho Ai Cập do Ả Rập Xê Út cho vay vốn.
“Vì vậy, đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cảng Sevastopol là chìa khóa đi vào Syria và có lẽ là Ai Cập hay toàn bộ Địa Trung Hải trong tương lai”, theo vị giáo sư người Israel.
Nhận định về khả năng Mỹ và châu Âu gây áp lực buộc Nga từ bỏ Sevastopol, ông Baram cho rằng điều này sẽ không thể xảy ra.
“Đầu tiên là vì ông Putin không thể cho phép chính phủ của mình hứng chịu một tổn thất về chiến lược nghiêm trọng như thế”, Giáo sư Baram cho biết.
“Và nguyên do thứ hai là, vào năm 1994, tại Budapest (Hungary), Mỹ và Nga đã ký một biên bản ghi nhớ về an ninh, quy định rằng để đổi lấy việc Ukraine giao nộp kho vũ khí hạt nhân thời Liên Xô mà nước này đang nắm giữ và gia nhập Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), Ukraine nhận được lời hứa của Mỹ và Nga là sẽ đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ cho nước này”, theo ông Baram.
Đó cũng là lý do tại sao Mỹ vẫn kiềm chế trong vấn đề Ukraine, Haaretz dẫn nhận định của Giáo sư Baram.
“Biên bản ghi nhớ hồi năm 1994 giúp Mỹ đạt được mục tiêu loại bỏ vũ khí hạt nhân tại Ukraine. Còn đối với Nga, thỏa thuận đạt được đồng nghĩa với việc Ukraine vẫn là vùng đệm ngăn cách Nga với châu Âu và Nga vẫn tiếp tục dùng Sevastopol làm nơi đóng quân của Hạm đội Hắc Hải”, theo ông Baram.
Vì thế, nếu Ukraine bị phân thành 2 vùng đông và tây, hoặc ngả về phía phương Tây, Nga nhiều khả năng sẽ xem đây là sự vi phạm hiệp định năm 1994.
Còn nếu Ukraine tiếp tục rơi vào khủng hoảng, căn cứ hải quân Nga tại Sevastopol sẽ gặp nguy hiểm.
“Nếu khả năng đó xảy ra, ông Putin có thể sẽ thích trường hợp Ukraine bị chia rẽ hơn, vì khi đó ông ấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách chiếm lấy Sevastopol và khu vực lân cận, hoặc có thể là cả đông Ukraine, bao gồm Khu tự trị Crimea, với sự giúp sức của các chính trị gia thân Nga tại đây”, Giáo sư Baram nói.
Theo Hoàng Uy