Anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập về an nghỉ nơi hằng tâm nguyện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vậy là tâm nguyện của ông đã được thực hiện sau hơn một năm ngày mất. Buổi sáng đầu tháng 8 nắng tươi, Đà Nẵng đón ông trở về an nghỉ. Tro cốt anh hùng LLVTND Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập được chôn cất tại nghĩa trang Quân khu 5, mảnh đất mà hơn nửa thế kỷ trước, ông đã cầm súng chiến đấu bảo vệ những con người không chút thân thích.

Đau đáu Việt Nam

Biết tin lễ truy điệu và an táng Anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập được Quân khu 5 tổ chức, dòng người nối nhau tìm về Nhà tang lễ Quân khu 5 để tiễn biệt ông đoạn đường cuối. Đất Quảng - Đà đón đứa con phương xa trở về với đất mẹ như di nguyện của ông lúc sinh thời.

Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Phó Chính Uỷ Quân khu 5 bùi ngùi, sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô cùng to lớn cho gia đình, bạn bè thân hữu cũng như đồng chí, đồng đội và Nhân dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước mất đi một người con ưu tú, một người lính “Bộ đội Cụ Hồ” gương mẫu, sống hết mình vì tập thể và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Biết tin tro cốt ông về Việt Nam, bà Lâm Thị Mỹ Hạnh, con gái Đại tá Lâm Quang Minh (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 803) cùng các anh chị em đã vội vàng đón chuyến bay ra Đà Nẵng để tiễn đưa người đồng đội của cha lần cuối. Bà kể ba năm trước, bà sang Hy Lạp thăm ông. Ông vẫn đau đáu tâm nguyện lớn nhất cuộc đời là được an nghỉ ở Việt Nam.

“Lúc còn khoẻ, ông nhiều lần quay lại Việt Nam và nói nếu lỡ có mất thì chôn cất ông ở đây, đừng đưa ông về nước. Sau này già yếu, không đi được, ông lại càng mong giấc ngủ sau cuối của mình được nằm trong lòng quê hương thứ hai”, bà nhớ lại.

Chị Foteini Sarantidis (tên Tiếng Việt là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, con gái ông Lập) nghẹn ngào, trong phòng của cha luôn có một tấm vải xanh với câu thêu bằng chỉ vàng “Thây tôi về Hy Lạp, linh hồn tôi ở lại Việt Nam”.

Giờ đây, ông đã được yên nghỉ trên dải đất hình chữ S, giữa lòng mảnh đất Khu 5 anh hùng. Nơi ông đã chiến đấu suốt những tháng ngày tuổi xuân. Ông về cạnh bên những đồng đội, đồng chí của mình.

“Như cánh chim hạc, bố tôi đã trở về quê hương thứ hai của ông, quê hương của chúng tôi, về với đất mẹ Việt Nam. Tôi cám ơn đất nước Việt Nam, cám ơn tất cả mọi người đã để bố tôi đi chuyến cuối cùng đúng như mong mỏi”, chị xúc động.

Anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập về an nghỉ nơi hằng tâm nguyện ảnh 1

Chiến sĩ, cán bộ Quân khu 5 trang trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng, đưa Anh hùng Nguyễn Văn Lập về với đất mẹ Việt Nam.

Tiếng Việt bập bẹ, lơ lớ, giọng chị run run cảm kích rằng nhiều năm qua, Việt Nam luôn tôn vinh bố với những danh hiệu cao quý và thể hiện lòng biết ơn đối với những năm tháng tuổi thanh xuân mà người lính da trắng đến từ Hy Lạp đã cống hiến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa, đối với phẩm giá và nỗ lực suốt cả cuộc đời ông để tạo ra một nhịp cầu hữu nghị giữa 2 quê hương của mình. “Chúng tôi biết, bố sẽ hạnh phúc khi ở lại đây”, chị nói.

Yêu dải đất chữ S hơn bản thân mình

Khi mới vừa tròn 16 tuổi, Kostas Nguyễn Văn Lập bị bắt đi lính phục vụ cho chế độ độc tài Đức Quốc xã. Nhưng chàng lính trẻ đã tìm cách trốn thoát khi thấy sự tàn bạo của chế độ độc tài.

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, ông bị đưa vào đội quân lê dương của Pháp. Tháng 2/1946, ông bị đưa tới Việt Nam phục vụ trong quân đội Pháp.

Chứng kiến tội ác dã man của thực dân và nhận thức rõ được bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, ông đã giác ngộ Cách mạng và có quyết định quan trọng, đúng đắn nhất của đời mình. Đó là vào tháng 6/1946, ông trốn khỏi đội quân lê dương Pháp tới vùng tự do ở tỉnh Bình Thuận rồi tham gia lực lượng Việt Minh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đó, ông trở thành người bạn, người đồng chí, đồng đội của nhân dân Việt Nam. Mọi người gọi ông là đồng chí với cái tên Việt Nam rất thân thương, gần gũi: Kostas Nguyễn Văn Lập.

Năm 1958, Kostas Nguyễn Văn Lập kết hôn với cô gái Hà thành Đỗ Thị Chung. Họ sinh được 4 người con, dù sinh sống và làm việc ở Hy Lạp, 4 người con của ông Lập đều có tên Việt Nam: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và Nguyễn Thị Tự Do.

Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông được giao nhiệm vụ làm công tác địch vận trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và đã cảm hóa được 40 lính lê dương buông súng trở về với gia đình. Ông cũng cứu sống 120 người bị địch bắt, bắn rơi 1 máy bay địch….Với thành tích xuất sắc, năm 1949, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau Hiệp nghị Geneva, ông tập kết ra Bắc và tham gia phong trào phản đối, chống địch cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Trên các cương vị là Đội trưởng Đội cung tiêu ở sân bay Gia Lâm, làm lái xe tải ở mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng, phiên dịch ở Nhà máy in Tiến Bộ…, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cống hiến cả tuổi xuân, thân mình trong những ngày Việt Nam lửa đạn, đến năm 1965, ông cùng gia đình trở về Hy Lạp, tình yêu cho dải đất hình chữ S vẫn cháy bỏng chứ không hề lụi tắt.

Bà Hạnh kể với chúng, ông nhiều lần so sánh rằng ông yêu Việt Nam hơn cả người vợ của ông (người Hà Nội) yêu quê hương mình. Tình yêu ấy lớn lao và mãnh liệt, chẳng ngôn từ nào tả xiết. Vậy nên, ở đất mẹ Hy Lạp, ông vẫn miệt mài làm cầu nối giữa hai Đảng, hai Chính phủ và các cơ quan, đoàn thể, góp phần xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho ông. Đặc biệt, năm 2010, Nhà nước công nhận ông quốc tịch Việt Nam. Năm 2013, anh hùng Kotas Nguyễn Văn Lập vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

MỚI - NÓNG