An toàn thực phẩm trong dịp Tết - tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến diễn ra tại Báo ANTĐ chiều 12-12
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến diễn ra tại Báo ANTĐ chiều 12-12
Cùng với lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) đã được triển khai thí điểm đến tất cả quận/huyện/thị xã, xã/ phường/thị trấn trên địa bàn Hà Nội, dịp cuối năm, số đoàn thanh tra ATTP cấp Trung ương và thành phố cũng sẽ được tăng cường. Vậy làm thế nào để công tác thanh tra phát huy hiệu quả, tránh phiền hà cho doanh nghiệp, người kinh doanh… đang là vấn đề được quan tâm.

Gần 2.000 cơ sở bị xử phạt, ATTP vẫn là nỗi lo 

Gửi câu hỏi đến buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Hà Nội: Tăng hiệu lực, giảm chồng chéo” do Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức chiều 12-12, bạn đọc nguyenthivinhhuong phản ánh: “Tết Nguyên đán 2020 đang cận kề, nhưng người dân chúng tôi vẫn rất lo lắng về ATTP”. Hay bạn đọc Hoài An hỏi: “Bệnh vào từ miệng. Vậy làm thế nào để ngăn được “thực phẩm bẩn”, xử lý tình trạng mất ATVSTP?”.

Trả lời bạn đọc, ThS.Bs Trần Việt Dũng - phụ trách Phòng Công tác thanh tra (Chi cục ATVSTP Hà Nội) cho biết, để đảm bảo ATTP dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân 2020 tới đây, Chi cục ATVSTP thành phố đã chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP trình Sở Y tế và UBND TP Hà Nội từ rất sớm. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, đồng thời thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và các đoàn liên ngành của 30 quận, huyện; 584 xã, phường, thị trấn. “Các đoàn kiểm tra có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra cũng như tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP, xử lý vi phạm hành chính tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong suốt thời gian Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2020” - ông Dũng nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, ThS.BS Hà Thu Hương - Thanh tra ATTP (Thanh tra Sở Y tế Hà Nội) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức tổng số 651 đoàn thanh tra, kiểm tra (618 đoàn liên ngành) thực hiện thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua đó, đã kiểm tra 70.550/83.240 lượt cơ sở (đạt 84,8%), riêng tuyến thành phố kiểm tra 589 lượt cơ sở, phạt tiền 1.710 cơ sở vi phạm về ATTP với số tiền phạt hơn 7,4 tỷ đồng. Bà Hương nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm luôn được coi trọng kết hợp với công tác tuyên truyền, hướng dẫn giúp người sản xuất, kinh doanh nắm được các quy định và thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo được sử dụng thực phẩm an toàn thì người dân cần tìm hiểu các kiến thức về ATTP.

Còn nhiều vướng mắc từ cơ sở

Thực tiễn cho thấy, tăng cường thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp quan trọng để phát hiện, ngăn chặn và kiểm soát tình trạng vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên thị trường. Đến nay, sau 5 tháng triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/ huyện/ thị xã, xã/ phường/ thị trấn trên toàn địa bàn thành phố, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực khi số cơ sở được thanh tra nhiều hơn, số cơ sở bị phát hiện vi phạm và bị xử lý cũng tăng cao. Dù vậy, thực tiễn triển khai từ cơ sở, nhất là cấp xã phường, hiện vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Thanh Thương - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) chia sẻ, phường Thanh Xuân Nam hiện đang quản lý 86 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Sau 2 đợt thanh tra chuyên ngành ATTP, UBND phường đã thanh tra được 21 cơ sở và xử phạt 5 cơ sở có vi phạm với số tiền 15 triệu đồng… 

Theo bà Thương, khó khăn lớn nhất trong thanh tra chuyên ngành ATTP cấp xã, phường hiện nay là nhân lực. Lý do vì xã, phường hiện chưa có công chức phụ trách về ATTP, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm nên việc nghiên cứu sâu về chuyên ngành ATTP còn hạn chế. Đó là chưa kể số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Từ thực tiễn ở cơ sở, bà Thương đề xuất, cấp phường nên có một công chức chuyên phụ trách về công tác ATTP để công tác thanh tra ATTP đạt hiệu quả cao hơn nữa. 

Trên phạm vi toàn thành phố, ThS.Bs Trần Việt Dũng cho biết, phần lớn quận, huyện và xã, phường của Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP lần này là lần đầu, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế. Trong khi quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã còn dè dặt trong giai đoạn đầu triển khai thanh tra. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường các tổ công tác, kiểm tra giám sát liên ngành của thành phố kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của quận, huyện, thị xã; các tổ công tác, kiểm tra giám sát liên ngành của quận, huyện, thị xã thì kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của xã, phường, thị trấn. Qua kiểm tra vừa giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các đơn vị, vừa phát hiện vướng mắc phát sinh để có biện pháp khắc phục, đồng thời hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho tuyến cơ sở” - ông Trần Việt Dũng nói.

Hạn chế phiền hà

Như đã nói, thời điểm cuối năm hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP sẽ được tăng cường từ cấp trung ương đến cơ sở, với hàng nghìn đoàn thanh tra được thành lập. Cũng vì thế, khó tránh khỏi tình trạng trong một thời gian ngắn, một doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra khác nhau về cùng nội dung đảm bảo ATTP. Trước mối lo ngại này, ThS.BS Hà Thu Hương cho biết, nếu một doanh nghiệp, cơ sở đã tiếp đón đoàn thanh tra của thành phố hoặc của sở ngành rồi nhưng lại có đoàn thanh tra của sở ngành khác hoặc cấp quận, phường vào thanh tra thì cơ sở đó có quyền báo cáo nội dung đã được thanh tra trước đó. Nếu trùng lặp về nội dung kiểm tra, đoàn thanh tra sau sẽ dừng lại và sử dụng kết luận thanh tra trước đó.

“Về mặt quản lý Nhà nước, Sở Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP của ngành Y tế và đơn vị thường trực và chịu trách nhiệm về ATTP là Chi cục ATVSTP Hà Nội. Trước tháng 10 hàng năm, theo quy định lực lượng thanh tra phải xây dựng xong kế hoạch thực hiện của năm sau, và hoạt động này sẽ loại bỏ những chồng chéo. Trong kế hoạch sẽ dự kiến những đơn vị, nội dung thanh tra theo kế hoạch; Thanh tra Sở sẽ là đơn vị thông qua kế hoạch, loại bỏ những chồng chéo về cơ sở được thanh tra” - bà Hà Thu Hương nêu rõ.

MỚI - NÓNG