'Ăn rừng, ngủ bụi' giải cứu thú rừng

TPO - Để ngăn chặn thú rừng lên bàn nhậu, các thành viên trong đội bảo vệ động vật hoang dã cùng nhau tuần tra trong rừng già để kịp thời tháo dỡ bẫy thú, giải cứu các loài động vật hoang dã.

Pù Mát là rừng nguyên sinh, nằm ở sườn đông của dãy Trường Sơn với độ cao trung bình 1.200 - 1.400m so với mực nước biển, thuộc địa phận 3 huyện của Nghệ An, tiếp giáp với Lào và có hàng vạn người dân sống ven rừng. Với hàng trăm loài thú, chim và bò sát đang sinh sống, Vườn quốc gia Pù Mát luôn trở thành tâm điểm của thợ săn và lâm tặc.

Trước tình trạng đó, năm 2018, Đội bảo vệ động vật hoang dã Pù Mát đã ra đời với 15 thành viên nhằm bảo vệ cái lõi đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Pù Mát. Ba năm qua, đội cùng lực lượng kiểm lâm đã thực hiện hàng trăm chuyến đi rừng, “lội” khắp cánh rừng già, đối đầu với hàng trăm nhóm thợ săn thú.

Mỗi tháng, đội này thường sống trong rừng thẳm khoảng 20 ngày để cùng lực lượng kiểm lâm vây bắt, đuổi thợ săn, lâm tặc vào đặt bẫy, bắn giết thú rừng. Mỗi lần vào rừng được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 7 - 8 người, gồm thành viên của đội bảo vệ động vật hoang dã và kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Pù Mát.

Hành trang mang theo khi vào rừng của những thành viên “biệt đội” này là gạo, cá khô, thịt lợn ướp muối, nồi, võng, tăng, thuốc men... Mỗi người gùi một bao tải nặng chừng 20 kg trên lưng. Để có sức băng rừng dài ngày trong điều kiện thời tiết bất lợi, anh em còn kèm theo vịt, gà lủng lẳng bên hông để vào rừng ăn lấy sức.

Sáng sớm băng rừng đi. Đêm mắc võng ngủ. Màn đêm buông xuống thì đâu cũng là nhà, gặp nguồn nước ở đâu đội lại dựng lều nấu ăn ở đó.

“Bánh sinh nhật” được làm từ thân chuối đơn giản mừng tuổi mới ngay trong rừng sâu.

Những giấc ngủ tạm trong rừng già chẳng thể yên khi trời đổ mưa. Những túp lều tạm bợ chẳng thể che chắn được mưa lạnh, họ phải sử dụng thêm lá cây để chắp vá bên trong.

Anh Lê Tất Thành - đội trưởng chia sẻ, ám ảnh của các thành viên những ngày đầu “xâm nhập” rừng già này không phải là sự hiểm trở của núi rừng mà đó là bẫy thú do thợ săn đặt khắp nơi. Các loại bẫy thòng lọng, bẫy kẹp để bắt thú được giăng như thiên la địa võng, kéo dài hàng trăm mét.

Sau khi giăng bẫy, đám thợ săn dựng lán và sống dài ngày trong rừng để chờ “thành quả”. Những con thú có giá trị thương mại cao bị dính bẫy, họ cho gùi ra khỏi rừng để bán ngay; những loại ít giá trị hơn, họ xẻ thịt rồi hong khô bằng củi ngay trong rừng.

Khi thợ săn rút ra khỏi rừng, những chiếc bẫy này vẫn tồn tại và những con thú khác đi ngang qua lại tiếp tục dính bẫy và chết rục. Khi những thành viên “biệt đội” giải cứu phát hiện được, những con thú dính bẫy bị thương sẽ được sơ cứu rồi thả ra, nặng hơn thì được mang ra trung tâm cứu hộ của Vườn quốc gia Pù Mát để điều trị.

Những chuyến đi không biết mệt mỏi ấy đã giúp đội đã phá hủy trên 10.000 chiếc bẫy thú; giải cứu hàng chục cá thể động vật mắc bẫy. Tuy nhiên, hàng trăm con thú rừng được phát hiện quá muộn nên không thể cứu chữa.

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, từ khi đi vào hoạt động, đội đã phối hợp với kiểm lâm của vườn hoạt động rất hiệu quả. Tình hình đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sinh cơ bản được khống chế, chấm dứt các điểm nóng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã.