Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam với đoàn Nga tại nhà riêng Tư lệnh Không quân Ấn Độ |
Đối tác chính của đoàn Việt Nam lần này là Tổng đội Thiếu sinh quân Ấn Độ (NCC) cùng với 7 đoàn quốc tế khác đến từ Nga, Úc, Singapore, Sri Lanka, Bhutan, Nepal, Bangladesh.
Trừ hai đoàn Nga và Việt Nam, các đoàn khác đều là những thiếu sinh quân, có người mới 14 tuổi. Đoàn Nga gồm các giáo sư và sinh viên, nghiên cứu sinh Đại học Smolensk.
Tại sân bay Quốc tế Indira Ghandi ở New Delhi, đoàn ta được một trung tá và hai sĩ quan cấp úy quân đội Ấn Độ ra đón tiếp trọng thị. Trên kính xe buýt dân sự được trưng dụng chở đoàn có dán dòng chữ “Thi hành Quân vụ”. Nhờ đó, vào giờ cao điểm tắc đường xe này được quyền rẽ vào những đường có biển báo cấm để đi tắt.
Chúng tôi được bố trí ăn, ở trong trại thiếu sinh quân Ấn Độ tọa lạc trên một khu đất rộng hàng chục hécta ở trung tâm New Delhi. Nam, nữ được bố trí ở các tầng riêng, mỗi phòng 6 người với 3 chiếc giường tầng kê sát nhau như trong ký túc xá sinh viên.
Trước cửa các phòng nữ có một nữ sĩ quan Ấn Độ canh gác suốt ngày đêm bên cánh cửa sắt được khóa chắc chắn. Các trưởng đoàn tuy được ở phòng riêng nhưng chỉ rộng hơn 10m2 với những tiện nghi nghèo nàn, điện nước lúc có lúc không. Có khi đang tắm thì mất nước, mất điện.
Những lúc đi xuống địa phương, có khi 6 đại biểu quốc tế phải ở chung một phòng khách sạn tiêu chuẩn cho hai người. Các lối đi lại trong trại NCC phần lớn chưa trải nhựa nên mỗi khi có xe chạy qua, bụi đất đỏ lại tung lên mù mịt như ở vùng đất bazan.
Đại biểu nước ngoài và một số sĩ quan Ấn Độ dùng bữa tại một phòng ăn được xây dựng theo kiểu dã chiến, mái vòm lợp bằng những tấm chất dẻo nên vào giờ trưa khá nóng.
Thức ăn Ấn Độ dùng nhiều ớt cay và các gia vị khác có mùi cari rất đặc thù khiến nhiều thành viên đoàn Việt Nam không quen. Sau mỗi bữa chính, quân ta thường tụ tập làm mì ăn liền và nhờ các bạn Ấn Độ mua giúp rau về luộc ăn thêm để giữ sức khỏe.
Do sinh hoạt theo chế độ lính, bữa trưa thường bắt đầu từ 2 giờ chiều, bữa tối bắt đầu từ 9 giờ đêm nhưng thường xuyên trễ đến 10 thậm chí 11 giờ đêm.
Phần lớn thời gian hoạt động của chúng tôi đều diễn ra ngay tại trại lính NCC, xem các thiếu sinh quân Ấn Độ biểu diễn đội hình, quân nhạc, cưỡi ngựa và giao lưu biểu diễn nghệ thuật.
Tuy đời sống vật chất trong trại lính Ấn Độ có một số khó khăn nhưng tất cả chúng tôi đều vui và hài lòng vì nhận thấy các bạn Ấn Độ đã cố gắng hết sức nhằm làm cho chúng tôi có được điều kiện sống thoải mái nhất trong hoàn cảnh cho phép.
Trong chúng tôi ai nấy đều xác định tham gia chương trình không phải để được hưởng thụ mà để trải nghiệm, học hỏi, tìm hiểu về một nền văn hóa, lịch sử một dân tộc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, làm cho bạn hiểu rõ hơn đất nước, con người và đặc biệt là về một thế hệ trẻ hiện nay của Việt Nam.
Tham dự chương trình giao lưu này, chúng tôi hiểu thêm được rất nhiều tình cảm ấm áp của người Ấn Độ nói chung đối với Việt Nam. Có người trong đoàn đặt câu hỏi vì sao các bạn Ấn Độ yêu quí Việt Nam đến vậy?
Trung tá quân đội Ấn Độ Dinesh Gupta – Chỉ huy trưởng một đơn vị chương trình giao lưu quốc tế của NCC- là người có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam. Với ông, Việt Nam là một dân tộc cực kỳ dũng cảm trong bảo vệ Tổ quốc và sáng tạo trong cải cách kinh tế phát triển đất nước hiện nay. Bất cứ điều gì chúng tôi yêu cầu ông đều cố gắng đáp ứng hết sức.
Chúng tôi ai nấy đều cảm kích khi biết trong những ngày diễn ra giao lưu thanh niên Việt Nam-Ấn Độ, vợ của trung tá Dinesh Gupta đã qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Trung tá Dinesh Gupta phải rời nhiệm sở vài ngày để lo việc gia đình nhưng ông vẫn quan tâm đến đoàn Việt Nam. Lúc chúng tôi nói lời chia tay ông để lên đường về nước, người sĩ quan quân đội này đã rơm rớm nước mắt.
Đầu tư cho tương lai
Tổng đội Thiếu sinh quân là tổ chức thanh niên lớn nhất hiện nay của Ấn Độ trực thuộc Bộ Quốc phòng với 1,3 triệu thành viên. Những thành viên này gồm các học sinh, sinh viên tuổi từ 13-22 được tuyển chọn từ trường phổ thông, cao đẳng, và đại học trong cả nước.
Các thiếu sinh quân Ấn Độ chỉ sinh hoạt mang tính chất câu lạc bộ vào những dịp nghỉ cuối tuần hoặc nghỉ hè chứ không học tập trung dài hạn.
NCC có 4 nhiệm vụ cơ bản là huấn luyện quân sự, hoạt động văn hóa, thể thao quốc phòng, thám hiểm, và cứu trợ giúp đỡ cộng đồng. Đứng đầu NCC là một trung tướng quân đội và hai cấp phó hàm thiếu tướng thuộc các lực lượng luân phiên hải, lục, không quân.
Đây là môi trường tuyệt vời để đào tạo nguồn nhân lực cho quân đội Ấn Độ cũng như giáo dục chủ nghĩa yêu nước và hướng nghiệp cho thế hệ trẻ. Hàng năm, các lực lượng hải, lục, không quân Ấn Độ dành 60 suất học bổng đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp cho các thành viên thiếu sinh quân trúng tuyển.
Tại những vị trí nổi bật nhất trong khu trại lính NCC đều có những khẩu hiệu đầy tính giáo dục chủ nghĩa yêu nước như “Máu của chúng tôi hiến dâng cho Tổ quốc”, “Đoàn kết, Kỷ luật”. “Tổ quốc trên hết”.
Trong trại lính NCC các học viên được làm quen với những công nghệ chế tạo máy bay, tầu chiến, phần mềm tin học, rađa, học lái máy bay hạng nhẹ, nhẩy dù v.v. Cách tổ chức đào tạo huấn luyện của hệ thống thiếu sinh quân ở NCC cho thấy Ấn Độ rất coi trọng đầu tư, giáo dục cho thanh niên về ý thức quốc phòng.
Tại một cuộc gặp các đoàn đại biểu quốc tế tham gia Chương trình giao lưu với NCC, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết mục đích của hệ thống thiếu sinh quân nói trên là rèn luyện, giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên về ý thức kỷ luật, sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc và lợi ích của cộng đồng. Đây là chính sách đúng đắn vì đầu tư cho thanh niên chính là đầu tư cho tương lai đất nước. Tất cả những thiếu sinh quân Ấn Độ mà tôi gặp tại NCC đều khẳng định sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ tình nguyện gia nhập quân đội.
Trong thời gian tham gia chương trình, chúng tôi được vinh dự gặp Tổng thống Abdul Kalam, Thủ tướng Manmohan Singh, được mời đến nhà riêng Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Không quân, Lục quân Ấn Độ để dùng bữa. Tại bất cứ hoạt động nào, đoàn Việt Nam cũng được các nhà lãnh đạo và tướng lĩnh Ấn Độ đón tiếp vô cùng ân cần và trọng thị. Đến đâu các quan chức Ấn Độ cũng đều nói đến những kỷ niệm tốt đẹp của họ đối với Việt Nam, tình cảm kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam trong trang phục áo T-shirt màu cờ đỏ sao vàng lên sân khấu hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, cả hội trường gồm các quan khách và thành viên thiếu sinh quân Ấn Độ vỗ tay theo nhịp bài hát một cách hào hứng sôi nổi. |