Dạy nghề cho trẻ em khuyết tật Tây Ninh |
Khi mới 12 tuổi, Hữu Hạnh được mẹ truyền dạy nghề thêu, sau đó rời Đà Lạt xuống TP Hồ Chí Minh làm thuê cho các tiệm may, thêu. Vốn có năng khiếu hội họa, Hữu Hạnh vừa thêu hoa trên áo dài để kiếm sống vừa sáng tác tranh nhằm thỏa mãn đam mê nghệ thuật của mình.
Sự khác biệt làm nên nét độc đáo trong tranh Hữu Hạnh lúc bấy giờ là chị không vẽ bằng bút mà bằng chỉ thêu. Hàng chục bức tranh thêu được treo khắp nơi trong ngôi nhà đơn sơ ở Đà Lạt chỉ để nhìn ngắm, thư giãn.
Năm 1991, Liên hiệp Xã Việt Nam tổ chức triển lãm sản phẩm của các làng nghề trong cả nước. UBND TP Đà Lạt tìm đến nhà chị tham quan và đề nghị đưa ra Hà Nội triển lãm.
Khi trở về, cán bộ thành phố cho biết nhiều người thích tranh của chị, do đó đoàn đã bán giúp chị một bức với giá lên tới bảy chỉ vàng. “Mình cầm vàng mà cứ ngỡ trong mơ. Suốt hai năm sau đó mình không dám tiêu xài số vàng vì sợ nhỡ đâu người mua tìm đến đòi trả bức tranh và lấy lại vàng” – Chị kể.
Trân trọng tay nghề sắc sảo của nghệ nhân trẻ và tiếc những bức tranh đẹp bị giam trong bốn bức tường ít người biết đến, Liên hiệp Xã Việt Nam hỗ trợ mười triệu đồng giúp Hữu Hạnh mở tổ thêu để phát triển nghề thủ công truyền thống, xuất khẩu tranh và gia công sản phẩm cho nước ngoài. Sản phẩm của HTX mỹ nghệ Hữu Hạnh được xuất khẩu qua Nhật, Liên Xô, Ba Lan và những năm gần đây chu du sang Pháp, Mỹ…
Nghệ nhân có thể thêu bằng cả hai tay và sở hữu bí quyết ngâm tẩm để màu chỉ không phai theo thời gian này đã hai lần được trao tặng danh hiệu Bàn tay vàng kỹ thuật thêu và nhiều giải thưởng khác như Sao vàng Đất Việt…
Một số kỹ thuật thêu mà Hữu Hạnh chưa có đối thủ ở Việt Nam là thêu ca rô và thêu nổi tranh tĩnh vật. Các bức tranh tĩnh vật đòi hỏi thời gian và công thêu cao gấp ba lần, được khách nước ngoài ưa thích nên cung không đủ cầu. Nghệ nhân Hữu Hạnh cũng thường xuyên được mời triển lãm tranh ở nước ngoài, đặc biệt là ở một số tòa thị chính của Pháp.
Chưa một lần gặp gỡ nhưng vào năm 1999, Hữu Hạnh thêu bức chân dung rất đẹp về Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Sau khi nhận quà, Tổng thống đã gửi thư: “Tranh thêu rất đẹp làm tôi phải chú ý. Bức tranh bộc lộ nghệ thuật điêu luyện của nghề thêu Việt Nam. Với tất cả lòng chân thành, mong cô chấp nhận sự kính trọng và quý mến của tôi”.
Là chủ cơ sở thêu lớn cùng hàng chục vệ tinh trong và ngoài tỉnh nhưng chị rất khiêm tốn và hết lòng giúp đỡ những người tật nguyền, lầm lỗi, sa cơ lỡ vận. Suốt 20 năm qua, chị đến nhiều tỉnh thành dạy nghề miễn phí cho các trường câm điếc, làng đồng bào dân tộc thiểu số, CLB của những người nhiễm HIV/AIDS.
Chị phải đến trường học ngôn ngữ của người câm điếc để có thể giao tiếp, dạy nghề cho các em, tìm hiểu về kỹ thuật thêu ca rô với loại kim thêu lớn, đầu tròn, không gây thương tích cho những người bị nhiễm HIV/AIDS.
Khi chúng tôi hỏi về thợ thêu TV (Cam Ranh, Khánh Hòa), chị nói: “Chuyện xảy ra đã vài tháng nhưng hồi tưởng lại, mình vẫn còn thấy sợ. Nửa đêm hôm đó, mình bị đánh thức bởi hồi chuông điện thoại rất dài. Khi nhấc máy thì nghe tiếng kêu khóc thảm thiết của cô gái chưa đầy 20 tuổi vừa được thông báo bị nhiễm HIV. Cô ấy đòi nhảy xuống biển tự vẫn.
Sau một hồi thuyết phục để cô gái đỡ sốc, mình vội đón xe khách vượt hơn 200 km xuống ghềnh đá ở Cam Ranh. Ngồi suốt đêm trên ghềnh đá lộng gió nên toàn thân cô gái lạnh toát. Mình ôm TV vào lòng rồi lựa lời khuyên can để cô ấy vơi bớt những oán giận, tủi hờn, sợ hãi. Sau đó, TV theo mình học thêu và đã sống được bằng nghề này”.
Nhờ có mái ấm của chị mà nhiều thanh niên tàn tật không những vượt qua mặc cảm, tự nuôi sống bản thân mà còn nên duyên chồng vợ, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, con cái xinh xắn, lành lặn.