Ẩn họa nhiễm độc thủy ngân từ vụ cháy Cty Rạng Ðông: Dân biết tin ai?

TP - Gần chục ngày sau vụ cháy nhà xưởng Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Ðông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), UBND thành phố Hà Nội mới phát đi hai công văn hỏa tốc gửi các cơ quan chức năng đề nghị khẩn trương khắc phục hậu quả và xác định mức độ ô nhiễm. Trong từng ấy thời gian, người dân hoang mang không biết tin vào đâu vì mỗi đơn vị nói một kiểu.
Ẩn họa nhiễm độc thủy ngân từ vụ cháy Cty Rạng Ðông: Dân biết tin ai? ảnh 1

Người dân buôn bán thực phẩm ngay sát hiện trường vụ cháy. Ảnh chụp ngày 29/8. Ảnh: Trường Phong

Rút khuyến cáo rồi lại... khuyến cáo

Một ngày sau khi xảy ra vụ cháy, ngày 29/8, lãnh đạo UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) ra thông báo khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, heo... được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong vòng 21 ngày. Cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của vụ cháy, thời gian sơ tán từ 1- 10 ngày....

Nhưng điều ngạc nhiên, ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi văn bản này vì ra không đúng thẩm quyền, không đủ cơ sở.

Trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết, văn bản đó gây hoang mang cho người dân, bởi theo kết quả kiểm tra nhanh của các cơ quan chức năng thuộc Sở TN&MT, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế)... thì các chỉ số môi trường đều ở ngưỡng an toàn. Nhưng lạ ở chỗ, chính lãnh đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phủ nhận kết quả công bố của quận Thanh Xuân?

Ngày 31/8, Sở TN&MT Hà Nội có báo cáo nhanh gửi Thành ủy, UBND thành phố và Bộ TN&MT tình hình khắc phục sự cố môi trường, khẳng định, kết quả test nhanh thông số thủy ngân tại 5 vị trí (mẫu đất tại vườn hoa nhà máy, mẫu đất tại rìa vườn hoa trung tâm, mẫu đất tại gốc cây sát đường nội bộ và 2 mẫu tro tại khu vực có đám cháy) cho thấy nồng độ thủy ngân tại các vị trí trên đều bằng 0mg/m3 (microgam/mét khối).

Thế nhưng, ngày 4/9, tại cuộc họp báo Chính phủ, lãnh đạo Bộ TN&MT thông tin kết quả quan trắc sau vụ cháy cho thấy, 1/12 mẫu nước mặt được thu thập vượt hàm lượng thủy ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế (mẫu nước sông Tô Lịch, đoạn ngõ 320 Khương Đình- cống xả thải của nhà máy Rạng Đông); 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn. Ngoài ra cũng có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thủy ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch.

Chia sẻ với phóng viên, một số lao động làm thuê gần khu vực xảy ra đám cháy cho biết, chính vì được nghe thông báo đầu tiên an toàn về môi trường nên tiếp tục làm việc từ sau vụ cháy đến nay, nhưng khi nghe lại thông tin từ lãnh đạo Bộ TN&MT, đã phải đi khám sức khỏe vì thấy tức ngực, hay hắt hơi, ăn ngủ không như trước...

Và Hà Nội, sau khi cho rằng môi trường ở ngưỡng an toàn, lại ra văn bản khuyến cáo người dân các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các tác động sau vụ cháy...Theo văn bản của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) gửi Cty Rạng Đông, yêu cầu xây dựng ngay bờ be xung quanh khu vực cháy, không được để nước bên trong khu vực bị cháy chảy ra ngoài môi trường.

Cùng với đó, lắp đặt ngay dàn phun nước để làm mát, khống chế nhiệt độ khu vực bị cháy không vượt quá 30 độ C, hạn chế thủy ngân trong khu vực cháy bay hơi ra môi trường không khí xung quanh khi có nhiệt độ cao. Toàn bộ nước phát sinh từ khu vực bị cháy bao gồm cả nước mưa do có lẫn thủy ngân nên phải được thu gom để chờ xử lý như nước thải nguy hại. “Khẩn trương thu dọn hiện trường, sau khi thu dọn xong, hiện trường sẽ được đơn vị xử lý môi trường phun lưu huỳnh để kết tủa thủy ngân và đóng rắn kết tủa”, văn bản nêu.

Đáng chú ý, Chi cục Bảo vệ môi trường cũng cảnh báo với người dân về việc không sử dụng nguồn nước mặt, thực vật, động vật sinh sống trong khu vực nguồn nước mặt xung quanh khu vực nhà máy...giống như cảnh báo của UBND phường Hạ Đình bị thu hồi từ gần chục ngày trước.

Tiêu chuẩn nào, tin vào ai?

Tại cuộc họp với UBND thành phố Hà Nội ngày 5/9, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc trực thuộc Tổng cục Môi trường đã sử dụng “bẫy vàng” - công nghệ tiên tiến nhất thế giới để quan trắc thủy ngân trong vụ cháy.

Chia sẻ trên báo chí, ông Thức cho biết, đây là đơn vị duy nhất trong cả nước có công nghệ này vì vừa được tham gia vào Mạng lưới quan trắc phát thải thủy ngân của Mạng lưới môi trường Đông Á do Nhật Bản đứng đầu. Nhờ vậy, cán bộ được tập huấn, đào tạo chuyên sâu, các kỹ thuật quan trắc để phân tích được lượng thủy ngân trong không khí nhờ thiết bị tiên tiến. Ông Thức khẳng định “không phải di dân” ra khỏi khu vực ảnh hưởng của vụ cháy, tuy vậy, kết quả quan trắc cho thấy thủy ngân cũng đã phát tán ra môi trường và nằm trong ngưỡng Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại cho rằng, thành phố Hà Nội cũng có lắp đặt thiết bị của Pháp, đạt tiêu chuẩn châu Âu có thể xác định các chỉ số rất chính xác. Trước những khác nhau về thông tin liên quan đến vụ cháy như số lượng thủy ngân bị cháy, chỉ số môi trường sau vụ cháy... ông Chung yêu cầu công an thành phố chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra thu thập các tài liệu liên quan, trưng cầu các cơ quan độc lập để có con số chính xác nhất, có thể mời cả các chuyên gia nước ngoài...

Ông Nguyễn Đức Chung cũng nói về việc phải chấn chỉnh để việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước một cách hài hòa, hiệu quả hơn, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, mỗi người phát ngôn một kiểu...

“Người dân và mọi người bình luận, các cơ quan chuyên môn xuống thì đeo mặt nạ phòng độc còn người dân, anh em khác thì đeo khẩu trang. Không biết là chuyên môn hiểu rõ hơn thì mình lo mình chết còn xung quanh người dân thì thế nào. Cá nhân tôi đánh giá đây là hành vi phản cảm. Người dân xung quanh, cán bộ đồng nghiệp của mình đi cùng mà tại sao mình lại xử sự như thế, có cần thiết phải như thế không, bởi chúng ta là cán bộ, phù hợp với điều kiện, phù hợp với hoàn cảnh để tránh gây ra những hiểu lầm. Thông qua cái này để rút ra bài học, chấn chỉnh. Tự mỗi người trong bộ máy nên suy xét để thấy”, ông Chung nói.

Quy trình nào cũng phải vì dân

Xung quanh ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung “Cơ quan điều tra, Công an Thành phố đang khám nghiệm hiện trường theo quy trình tố tụng thì các cơ quan chuyên môn vào đây với tư cách gì?”, trao đổi với phóng viên, LS Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Ðoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, bảo vệ hiện trường và khám nghiệm hiện trường là một trong những biện pháp quan trọng mang tính cấp bách, nhằm ngăn ngừa những tác động làm thay đổi tình trạng hiện trường nói chung và dấu vết vật chứng nói riêng cũng như việc ghi nhận những thông tin hoặc những thay đổi ở hiện trường có liên quan đến vụ việc xảy ra. Về nguyên tắc bất cứ hiện trường nào cũng phải được bảo vệ để đảm bảo điều kiện cần thiết cho công tác khám nghiệm hiện trường đạt kết quả.

Tuy nhiên, khi giải quyết một vấn đề (ở đây là sự cố về môi trường – PV) cần đặt quyền lợi người dân lên trên hết. Việc các cơ quan chuyên môn vào làm việc nếu được theo dõi và quản lý cẩn thận để thông báo kết quả chính xác đến người dân, bảo vệ sức khỏe cho người dân kịp thời là việc cần thiết hơn hết. Vì nơi đó có biết bao nhiêu người dân đang sinh sống. “Cơ quan Nhà nước cùng làm việc với nhau còn không tin kết quả quan trắc môi trường của nhau thì người dân biết tin ai”, LS Bình đặt câu hỏi.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.